Chiến tranh Lạnh được coi là giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, với kho vũ khí khổng lồ của các cường quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào, đe dọa hủy diệt nền văn minh thế giới. Ngoài vũ khí hạt nhân, sau đây là 5 loại vũ khí nguy hiểm nhất được tạo ra trong thời kỳ này, theo đánh giá của National Interest.
Một chiếc trực thăng hải quân lượn trên tàu ngầm hạt nhân USS George Washington của Mỹ. Ảnh: USNS.
Tàu ngầm hạt nhân USS George Washington
Vũ khí hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh có tốc độ phát triển ngoạn mục. Chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên lửa đạn đạo thực thụ mang tên USS George Washington được Mỹ bắt đầu chế tạo chỉ 12 năm sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Ban đầu được thiết kế như một chiếc tàu ngầm tấn công, thân của tàu ngầm USS George Washington được kéo dài ra để chứa được 16 tên lửa đầu đạn hạt nhân Polaris. Mỗi tên lửa có tầm bắn 2.400 km, tạo ưu thế vượt trội cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo trước số ít máy bay B-29 có khả năng ném bom hạt nhân sau Thế chiến II.
Những tiến bộ trong công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân giúp đầu đạn hạt nhân W-47 chỉ còn có trọng lượng 326 kg và đủ bền để gắn lên tên lửa Polaris. Mỗi đầu đạn W-47 có sức công phá 600 kiloton, mạnh hơn rất nhiều so với sức công phá 15 kiloton của quả bom “Little Boy” rơi xuống Hiroshima năm 1945, dù quả bom này nặng tới gần 4.400 kg.
Tiểu liên AK-47
Mẫu súng trường tấn công Avtomat Kalashnikova năm 1947, hay AK-47 như chúng ta vẫn thường biết đến, là một trong những vũ khí dễ nhận biết nhất.Với hộp tiếp đạn 30 viên và vẻ ngoài hầm hố, AK-47 hiện diện khắp nơi trên thế giới, từ đường phố ở Los Angeles cho tới các con đường ở Mogadishu.
AK-47 là mẫu súng được sử dụng trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Ảnh: Military.
AK-47 nhẹ, độ bền cao và rất dễ bắn. Loại súng này dễ sử dụng, đến mức trẻ em cũng có thể thao tác thành thạo, và rất nhiều lính trẻ em ở châu Phi đã sử dụng AK-47 trong các cuộc xung đột.
Súng AK-47 được kỹ sư Liên Xô Mikhail Kalashnikov phát triển, lấy cảm hứng thiết kế từ M-1 Garand của Mỹ và StG-44 của Đức, súng trường tấn công thực thụ đầu tiên trên thế giới. Sau đó nó trở thành vũ khí tiêu chuẩn của bộ binh Liên Xô, Trung Quốc và nhiều quân đội các nước khác.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2007 cho thấy hơn 75 triệu khẩu súng AK-47 đã được sản xuất và sử dụng trên khắp thế giới, chiếm đến 20% tổng số súng trường trên toàn cầu. Mỗi năm, vũ khí cá nhân giết từ 20.000 đến 100.000 người trong các cuộc xung đột, trong đó AK-47 chiếm tỷ lệ cao nhất.
Tiêm kích ném bom F-4 Fantom
Tiêm kích ném bom F-4 Fantom là minh chứng điển hình về tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của ngành hàng không thời kỳ hậu chiến. Được đưa vào hoạt động chỉ 13 năm hoạt động sau khi kết thúc Thế chiến II, F-4 đã có thể chở tới hơn 8 tấn bom đạn - gần bằng oanh tạc chiến lược pháo đài bay B-29, trong khi nó chỉ là một máy bay tiêm kích.
Tiêm kích F-4 Fantom thực hiện một cuộc ném bom. Ảnh: USAF.
Được sử dụng rộng rãi trong không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ và nhiều đồng minh như Đức, Nhật, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, F-4 là loại máy bay có hai động cơ lớn, có khả năng linh hoạt cao để chiếm ưu thế trên không, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hạm đội tàu chiến, chế áp hệ thống phòng không đối phương, trinh sát, ngăn chặn và yểm trợ cự ly gần trên không.
F-4 đã tham gia nhiều cuộc chiến trên thế giới, và đến nay phần lớn những chiếc F-4 được chế tạo ra đã nghỉ hưu, nhưng một số vẫn hoạt động ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và quân đội một số nước khác.
Súng trường FN-FAL
Súng trường FN-FAL là loại vũ khí cá nhân phổ biến trong các lực lượng của NATO thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Từ một thiết kế của hãng sản xuất vũ khí nhỏ Fabrique Nationale ở Bỉ, FN-FAL đã trở thành vũ khí được quân đội nhiều nước sử dụng để thay thế các súng bộ binh có từ thời Thế chiến II.
Súng trường FN-FAL từng được sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước phương Tây. Ảnh: WarHistory.
FN-FAL là khẩu súng trường tự động cỡ nòng 7,62 mm với một băng đạn gồm 20 viên, giúp lính bộ binh có được hỏa lực lớn trên chiến trường. Về mặt kĩ thuật, do trọng lượng và kích cỡ đạn lớn, FN-FAL được xếp vào diện súng trường chiến đấu, không phải là súng trường tấn công.
Súng trường FN-FAL được sử dụng rộng rãi trong quân đội phương Tây cũng như nhiều nước ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Trong cuộc xung đột ở Falkland/Malvinas, cả lục quân Anh lẫn lục quân và thủy quân lục chiến Argentina đều sử dụng loại súng này. Tuy nhiên, đến nay mẫu thiết kế này đã bị coi là lỗi thời và hầu hết các súng trường FN-FAL đều đã không còn được sử dụng.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Chieftain
Xa tăng chiến đấu Anh Chieftain là một trong những xe tăng có uy lực nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Được đưa vào sử dụng năm 1966, Chieftain là xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất và được vũ trang hạng nặng nhất của cả khối NATO lẫn khối Hiệp ước Warsaw.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Chieftain nổi bật với khẩu pháo 120 mm. Ảnh: WarHistory.
Chieftain được nâng cấp từ xe tăng Centurion, loại tăng đã từng xuất hiện vào cuối Thế chiến II. Chieftain có lớp giáp tốt hơn nhiều so với chiếc Centurion, và động cơ cũng được cải tiến đáng kể. Điều thực sự khiến chiếc xe tăng này nổi bật so với những loại xe tăng đương thời là khẩu pháo cỡ nòng 120 mm. Khẩu pháo rãnh xoắn L11A5 này lớn và mạnh hơn rất nhiều so với khẩu 105 mm trên xe tăng M60 Mỹ hay khẩu 115 trên xe tăng T-62 của Liên Xô.
Chieftain được sử dụng trong các đơn vị quân đội Anh, trong đó có Sư đoàn Thiết giáp số 1. Sư đoàn này là bộ phận của quân đội Anh đồn trú ở Rhine, Đức, có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực rộng lớn ở Tây Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Xe tăng này cũng được quân đội Iran sử dụng trong thời kỳ chiến tranh với Iraq.