Địa ốc tháng 10: Từ biệt thự đến căn hộ đều mất giá

Địa ốc tháng 10: Từ biệt thự đến căn hộ đều mất giá
Từ phân khúc nhà mặt phố hàng trăm tỷ đồng, những biệt thự hạng sang đến căn hộ bình dân, chủ đầu tư đều tuyên bố giảm giá.

Địa ốc tháng 10: Từ biệt thự đến căn hộ đều mất giá

> BĐS tham giá cao và chờ giải cứu
> Địa ốc thêm nhiều thông tin ảm đạm

Từ phân khúc nhà mặt phố hàng trăm tỷ đồng, những biệt thự hạng sang đến căn hộ bình dân, chủ đầu tư đều tuyên bố giảm giá.

Từ biệt thự hạng sang, đến các căn hộ bình dân đều tuyên bố giảm giá bán trong tháng 10. Ảnh: Internet
Từ biệt thự hạng sang, đến các căn hộ bình dân đều tuyên bố giảm giá bán trong tháng 10. Ảnh: Internet.

Đầu tháng, chung cư Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội thông báo giảm giá bán đối với căn có một phòng ngủ xuống còn 10 triệu đồng một m2, căn 2 phòng ngủ sau đó giảm xuống 12,5 triệu đồng một m2. Các đợt mở bán trước đó, dự án này được bán với giá trên 14 triệu đồng một m2.

Dự án cao cấp Mandarin Garden, The Pride, dự án Tân Tây Đô... cũng tuyên bố giảm giá bán 3 đến 8 triệu đồng một m2 so với trước đó, tương đương mức giảm 15% đến 25%.

Ở thị trường phía Nam, một đại gia trong ngành bất động sản là Công ty phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con của Hoàng Anh Gia Lai do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch) cũng tuyên bố giảm giá bán xuống 20 triệu đồng một m2. Mức giá này thấp hơn 35-40% so với các dự án quanh khu vực.

Những ngôi nhà mặt phố đắt đỏ ở trung tâm của thủ đô cũng không thoát khỏi xu hướng giảm giá, mức giảm lên tới 30%, thậm chí hơn 40%. Theo đó, mỗi căn nhà giảm từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng so với giá rao bán ban đầu.

Biệt thự - phân khúc đắt đỏ nhất của thị trường bất động sản nhà ở cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Những căn biệt thự hạng sang tại các dự án VIP như Ciputra, Bắc An Khánh (Hà Nội) hay Phú Mỹ Hưng (TP HCM)… đều giảm giá 10 đến 20% so với đầu năm 2012. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các sàn bất động sản, giao dịch ở những phân khúc này vẫn hết sức ảm đạm. Từ đầu năm, mỗi sàn chỉ ghi nhận 2, 3 giao dịch, nhiều nơi không có.

Trước hiện tượng giảm giá liên tục của các phân khúc trên thị trường, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức nhận xét: "Không ai có thể cứu nổi thị trường bất động sản lúc này, muốn cứu chỉ còn cách hạ giá. Ngày xưa lãi 10 đồng thì bây giờ lời một đồng thôi".

Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ cho rằng đã có chủ đầu tư giảm giá xuống 10 triệu đồng một m2 thì trong tương lai, có thể những dự án khác cũng sẽ phải giảm giá và tạo ra mặt bằng mới cho thị trường.

Tuy nhiên, tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, việc một số đơn vị giảm giá sốc dự án là hình thức bán phá giá. Và việc làm đó sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt dự án, nhất là phân khúc nhà ở cho người nghèo. "Khi nhà xã hội còn đắt hơn cả nhà ở thương mại, người dân sẽ so sánh. Họ sẽ có tâm lý chờ đợi để mua nhà thu nhập thấp, tội gì mua nhà ở xã hội", lãnh đạo Vinaconex lo ngại. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đề xuất Bộ Xây dựng phải đưa ra chính sách chống bán phá giá.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cho hay, thành phố sẽ kiểm tra những dự án phá giá đó có bán thật như vậy không hay chỉ đưa thông tin gây xáo trộn thị trường.

Tập đoàn sông Đà quay về mô hình tổng công ty

Theo quyết định mới của Bộ Xây dựng, Tổng công ty Sông Đà sẽ hoạt động dưới mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổng công ty hình thành trên cơ sở tổ chức lại và kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà trước đây. Trong đó, Sông Đà là loại hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu vốn 100% vốn điều lệ.

Tập đoàn Sông Đà được thành lập từ tháng 1/2010, do Tổng công ty Sông Đà trước đây làm nòng. Tuy nhiên vừa qua, Chính phủ đã quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn đối với Sông Đà và một ông lớn khác trong ngành xây dựng dân dụng (HUD).

Phối cảnh công trình tại dự án Park City. Ảnh: VIDC
Phối cảnh công trình tại dự án Park City. Ảnh: VIDC.

Vinaconex thoái vốn khỏi dự án tỷ đô

Sau khi chuyển nhượng hơn 3,7 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã chính thức rút hết vốn tại dự án một thời đình đám Park City, Hà Đông, Hà Nội. Việc đổi chủ sở hữu này bắt đầu từ ngày 16-10, tuy nhiên, phía Vinaconex không tiết lộ đơn vị mua lại. Mục đích của việc thoái vốn là để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Trước đó, HĐQT Vinaconex cũng quyết định thoái vốn tại hàng loạt công ty, dự án như Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel, Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh, Công ty Vinaconex Xuân Mai...

Dự án Park City có số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đôla, rộng 77 ha gồm 15 tiểu khu riêng biệt. Sau khi hoàn thành, khu đô thị này sẽ mang đến cho cư dân 7.000 căn nhà gồm 952 biệt thự, hơn 6.000 căn hộ chung cư, trung tâm thương mại. Park City từng gây sốt trên thị trường khi mỗi suất chênh tại tiểu khu Ngọc Lan lên tới 5-6 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm đổ lại đây, dự án có dấu hiệu ngưng trệ.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.