Đi số lùi - hiện tượng khác biệt?

Đi số lùi - hiện tượng khác biệt?
TP - "Một bộ phận cử nhân an phận làm việc lao động chân tay, không dám xin việc làm đúng chuyên ngành vì thiếu tự tin về kiến thức là hiện tượng lạ và khác biệt", anh Phan Thanh Bình, Giám đốc chiến lược Nhân Việt Management Group, nhận định.

Anh Việt nói rằng, 12 năm gắn bó đào tạo nguồn nhân lực, anh chỉ thấy SV luôn khát khao vươn lên, thậm chí chọn việc quá với khả năng của mình, chưa thấy cử nhân "đi số lùi". Giải mã hiện tượng này, anh Bình cho rằng, có thể bạn trẻ thiếu tự tin về trình độ của mình nên không dám dấn thân với công việc đòi hỏi trình độ cao.

Anh Đỗ Minh Tảo (Trưởng phòng Tổ chức - hành chính, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên miền Bắc) cho biết: "Làm tiếp thị, bán hàng, nhân viên siêu thị... là những công việc được nhiều SV ra trường chọn khi đến trung tâm. Họ đa số là SV đuối, ngại đi xa, chấp nhận việc đơn giản, tiền ít vì không dám vươn đến những vị trí cao hơn. Ý chí tiến thủ của một bộ phận cử nhân còn hạn chế".

Nhiều bạn trẻ cho rằng, ai cũng có hoài bão, cũng tiếc nuối khi làm không đúng ngành học, nhưng có những rào cản khiến họ không thể đạt được. "Giống như một ngọn lửa đang bị giam trong cái lồng của chính mình. Mình sợ thất bại, sợ kiến thức không đáp ứng được công việc, sợ bị người khác chê cười", Nguyễn Xuân Đức, tốt nghiệp ĐH ngành Đông phương học ở TPHCM, tâm sự. Hằng ngày, Đức đến các bến xe, nhà ga phát tờ rơi tiếp thị sản phẩm, tư vấn cho khách hàng.

Chị Trang Thanh Minh Thư, Trưởng phòng R&D (nghiên cứu & phát triển) Cty Sacomreal, cho rằng nhiều SV còn quá yếu và thụ động trong việc phát triển kỹ năng mềm. Trái lại, nhiều bạn lại xem thường việc học ĐH, không quan tâm việc lên lớp mà chỉ đi lo làm thêm. “Môi trường ĐH là nơi tốt nhất để các bạn phát triển bản thân và xây dựng nền tảng kiến thức. Hãy chấp nhận trải nghiệm và chấp nhận sai thật nhiều bởi vì cái sai ở môi trường ĐH có rất nhiều cơ hội để sửa chữa, cái để đánh đổi cũng không cao và bạn được nhiều người là bạn bè, thầy cô giúp đỡ để sửa sai. Nếu bạn ra đời và phạm sai lầm, bạn sẽ phải trả giá rất đắt", chị Minh Thư nói.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, lý giải: "Nhiều bạn trẻ không tự tin vào bản thân, sợ những rủi ro khi khởi nghiệp và không dám quyết định tương lai của chính mình".

94% SV ra trường phải đào tạo bổ sung

Theo khảo sát gần đây của Cty Nhân Việt Managaement Group với 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM, có đến 94% SV ra trường mới đi làm cần được đào tạo bổ sung mới đáp ứng nhu cầu công việc. Trong các nội dung cần đào tạo lại, có 92% về nghiệp vụ chuyên môn, 61% về kỹ năng mềm, 53% về kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Các lĩnh vực có nhiều nhân viên phải đào tạo bổ sung kiến thức gồm: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng, thương mại dịch vụ...

Theo số liệu gần đây của Bộ LĐ, TB&XH, tỷ lệ SV ra trường làm việc trái ngành, trái nghề chiếm 60%.

Hải Yến - Lê Quang Minh
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.