Những ngày cuối năm, ngư dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn tất tả với ghe, mành để kịp cho chuyến ra khơi. Nhận định chung, vụ tôm hùm năm nay ngư dân thắng lớn, số lượng tôm thu được nhiều, giá thu mua lại cao, khoảng 300 - 350 ngàn đồng/con). Ai cũng khấp khởi, mong những chuyến ra khơi bội thu để có một cái Tết sung túc.
Biển động lại dong thuyền
Mùa tôm hùm giống bắt đầu từ đầu vào khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau, vào khoảng thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm. “Khi biển động, sóng lớn, lòng biển tung ra lượng thức ăn khoái khẩu nên tôm hùm thường xuất hiện nhiều” - ngư dân Đỗ Tấn Mẫn (49 tuổi, thôn Hải Nam), giải thích.
Ông Mẫn có 9 năm hành nghề săn bắt tôm hùm. Với chiếc ghe nhỏ ông cùng 4 người đi bạn bủa mành. Mỗi đợt đi kéo dài 7 ngày đêm ghe của ông thu được 50 – 70 con tôm hùm giống, có đợt trúng lên tới 100 con. “Tính thu nhập trung bình như vậy thì cao vậy nhưng cũng thất thường lắm. Cũng có chuyến đi lại tay trắng về cũng phải chịu thôi”, ông nói.
44 tuổi, ngư dân Hà Văn Cử đã có thâm niên 30 năm hành nghề săn tôm hùm. Gắn bó với nghề không dễ, ngoài làm quen sóng to gió lớn còn phải có chút liều lĩnh và may mắn. Làm cái nghề này ai cũng phải mất một thời gian dài để làm quen, những ngày đầu biển động gió lớn khuấy đảo ruột gan, nằm bẹp và nôn chứ không ăn uống được gì.
Cả khi quen rồi cũng phải đề phòng may rủi. Cả xóm chài ai cũng có thói quen xem thời sự cuối ngày, nắm bắt tình hình thời tiết để tranh thủ ra khơi.
Thường thì 3 giờ chiều bắt đầu đẩy ghe ra, nhưng có hôm 2 - 3 giờ sáng cũng phải tranh thủ đi khi bão vừa hạ. Anh nhẩm tính chi phí cho mỗi chuyến đi khoảng 1 triệu đồng tiền dầu, tiền ăn… trung bình anh thu được khoảng 50 - 70 con tôm hùm giống.
Tôm hùm giống (rất nhỏ) được ví như lộc trời của ngư dân.
Ngã về không
Theo ông Ngô Đức Tình, Phó chủ tịch xã Nhơn Hải: Hiện cả xã có 209 phương tiện hành nghề tôm hùm giống, trong đó 9 phương tiện mành chủ, 30 phương tiện trúng thăm, còn lại các phương tiện trả ở ngoài hoặc mành trải. Nhận định chung của ngư dân, năm nay được mùa tôm hùm, cả về sản lượng và giá.
Những năm trúng, sát tết dân Nhơn Hải ùn ùn đi sắm đồ. Mua không cần trả giá còn khi mất mùa thì xóm chài ảm đạm. Nhờ giá trị kinh tế cao nên nhiều ngư dân vẫn gắng trụ bám song vẫn không thôi ám ảnh những câu chuyện buồn khi biển nổi cuồng phong. Bởi cái nghề dựa nhiều vào may rủi, nên không ít trường hợp lật ghe, sóng cuốn mất cả chì lẫn chài, có khi gặp vận đen một đi không trở lại.
Anh Phạm Văn Sơn (42 tuổi) nhớ lại vụ tai nạn hồi tháng 9/2014. Một ngư dân ở thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải) cũng hành nghề bủa tôm hùm khi đang giăng mành đánh bắt gặp sóng lớn, nhấn chìm ghe. Người chết, vốn liếng cũng hết.
Có đi mới biết cái cực của nghề, người ta chỉ nghe đến lợi nhuận chứ ít ai nghĩ đến vất vả và rủi ro của người hành nghề này. Anh ví von cái nghề của mình là “biển giả”, có khi cho lộc, nhưng nhiều khi phải đánh đổi, trả giá đắt. “Đó là cái nghề mình mưu sinh nên nhiều khi cũng phải liều, chứ đôi khi nghĩ cũng hãi lắm. Lộc trời thì nhờ trời chú cũng không biết sao” - anh nói.
Săn tôm hùm giống mang lại lợi nhuận kinh tế cao nên người dân đua nhau làm. Hằng năm xã phải tổ chức bốc thăm các điểm khai thác để tránh nảy sinh mâu thuẫn. Với giá 300 – 350 ngàn đồng/1 con, từ đầu vụ đến nay, có hộ làm nhiều nhất được khoảng 300 con/phương tiện 4 lao động, ít nhất cũng được 100 con. Nhưng cũng hên xui lắm, có khi tốn tiền dầu, chi phí nhưng chỉ được một vài con hoặc về tay không.