Dù từ bỏ bất động sản để chuyển sang làm nông nghiệp, nhưng những dự án của đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ông chủ Hoàng Anh Gia Lai vẫn mang dáng dấp đại gia, khi giá trị của chúng đều ngót nghét trăm triệu đô.
Gặt hái được nhiều thành công trong ngành bất động sản, nhưng cũng sớm nhìn ra rủi ro và tính chu kỳ của ngành kinh doanh này, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - đã sớm chuẩn bị một kế hoạch chuyển mình.
Năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu toàn diện với mục tiêu "tập trung vào năng lực cốt lõi". Với 6 năm miệt mài thay đổi, nếm trải không ít thất bại, nghi ngờ, bầu Đức đã biến mình từ hình ảnh một đại gia bất động sản sang "lão nông triệu đô" với các dự án nông nghiệp có trị giá ngót nghét trăm triệu USD.
Thực tế, khi bắt đầu kế hoạch bỏ dần các dự án bất động sản trong nước để tập trung vào các ngành còn lại, con đường mà bầu Đức chọn làm trọng tâm không chỉ có nông nghiệp. Ông chủ tập đoàn này từng đặt cả ngành khoáng sản và thủy điện vào mục tiêu cốt lõi của mình. Tuy nhiên, bầu Đức đã sớm phải thú nhận rằng cả hai ngành này đều không thể giúp HAGL thăng hoa.
Bước vào năm 2011, sau 2 quý thực hiện tái cơ cấu, những khó khăn trong kinh doanh của HAGL bắt đầu lộ rõ. Trong quý I, công ty này chỉ đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chưa bằng 50% so với cùng kỳ năm 2010, doanh thu chỉ bằng 36,7% so với trước.
Đến quý II, công ty mẹ lỗ hơn 114 tỷ đồng. Lúc này, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang trong giai đoạn triển khai các dự án thủy điện tại Lào, với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, và chưa bán các dự án trong nước. Năm 2012, các chỉ tiêu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai chạm mức đáy, với lợi nhuận hợp nhất chỉ là 63 tỷ đồng.
Bán 6 dự án thủy điện trong nước với yêu cầu "bán có lãi", đặt cao su là ngành ưu tiên số một, bắt đầu trồng dầu cọ, tập trung sản xuất bắp làm bệ phóng để "lấy ngắn nuôi dài" là quyết định mang tính bước ngoặt của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2012 và 2013. Hàng loạt dự án nông nghiệp và hỗ trợ nông nghiệp trị giá trăm triệu USD đã được bầu Đức khởi động, trên cả vùng tam giác Đông Nam Á rộng lớn.
Theo báo cáo thường niên năm 2013 của Hoàng Anh Gia Lai, công ty này đã trồng khoảng 44.500 ha cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia, đạt khoảng 92,13% kế hoạch. Với dầu cọ, công ty đã trồng được 12.300 ha (năm 2013), và dự kiến sẽ tăng lên 30.000 ha vào năm 2015. Trong báo cáo tài chính quý III/2014 của HAGL, chi phí trồng cây cao su và cọ dầu của công ty này tính đến hết tháng 9 đã lên tới gần 7.000 tỷ đồng (tương đương hơn 330 triệu USD).
Với mía đường, bầu Đức đang sở hữu khoảng 10.000 ha mía tại Lào và một nhà máy đường công suất 7.000 tấn/ngày. Dù chỉ mới trồng thử nghiệm cây bắp từ năm 2013 nhưng công ty của bầu Đức cũng đã kịp phủ hơn 5.000 ha tại Lào và Campuchia.
Riêng chi phí phát triển vườn mía và vườn bắp theo báo cáo quý III/2014 của HAGL đã đạt khoảng 880 tỷ đồng, tương ứng khoảng 42 triệu USD. Còn với bò sữa, bầu Đức đã bỏ khoảng 300 triệu USD để lập đàn bò 230.000 con, với dự định trở thành "người định giá" trong ngành này tại Việt Nam.
Lãi lớn nhờ làm “nông dân”
Theo bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 và 6 tháng đầu năm 2014 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai , lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 285,56 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 684,32 tỷ đồng, tăng 229,11 tỷ đồng, tương ứng 50,33% tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HAG đạt 699,35 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.624,99 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán quý 2 đạt 407,04 tỷ đồng, tăng 37,02 tỷ đồng, tương ứng 10%.
Quý 2 năm ngoái, HAG đã tiến hành thanh lý một số công ty con nên thu về một khoản lợi nhuận tài chính khá lớn. Vì vậy doanh thu này giảm mạnh trong quý 2 năm nay nhưng vẫn đạt con số rất lớn 201,14 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên HAG sử dụng vốn vay khá nhiều. Tuy nhiên, trong kỳ, chi phí tài chính của HAG giảm mạnh, đạt 188,53 tỷ đồng, giảm 109,41 tỷ đồng, tương ứng 36,72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bầu Đức lãi lớn nhờ làm "nông dân".
Cùng với chi phí tài chính, nhiều khoản mục chi phí khác của HAG cũng được cắt giảm. Chi phí bán hàng quý 2 đạt 24,46 tỷ đồng, giảm 16,78 tỷ đồng, tương ứng 40,69%; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 60,87 tỷ đồng, giảm 14,55 tỷ đồng, tương ứng 19,29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo HAG, các chi phí kể trên giảm (trừ chi phí tài chính) chủ yếu là do kết quả của việc tái cấu trúc Tập đoàn.
Thu nhập khác tăng từ 23,23 tỷ đồng quý 2 năm ngoái lê 314,14 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 323,07 tỷ đồng.
Doanh thu từ nông nghiệp đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai. Điều đó cho thấy quyết định chuyển từ bất động sản sang làm “nông dân” của bầu Đức hoàn toàn đúng đắn.
Cụ thể, quý 2, doanh thu từ bán đường của Hoàng Anh Gia Lai đạt 295,15 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 787,44 tỷ đồng. Doanh thu từ bán bắp đạt 113,81 tỷ đồng. Doanh thu từ 71,60 tỷ đồng. 3 mặt hàng nông nghiệp này mang lại cho HAG 480,56 tỷ đồng, chiếm 68,72 tỷ trọng tổng doanh thu.
HAG cho biết: “Doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp như mía đường, cao su không biến động lớn. Tuy nhiên, doanh thu sản phẩm mới từ nông nghiệp là bắp trong kỳ đạt gần 114 tỷ đồng, khoản doanh thu này chưa phát sinh trong cùng kỳ năm 2013”.
Có thể thấy, cao su là sản phẩm mang về ít doanh thu nhất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm cao su của bầu Đức vào mùa thu hoạch. Chỉ vài năm nữa, doanh thu từ cao su hứa hẹn mang về khoản doanh thu “khủng” cho Hoàng Anh Gia Lai.
HAG rút dần ra khỏi một số lĩnh vực như thủy điện, bất động sản nên giá vốn các sản phẩm, hàng hóa này đang có xu hướng giảm. HAG cho biết: “Giá vốn hàng bán từ các sản phẩm của ngành đã tái cấu trúc giảm tương ứng, cụ thể như sau: Giá vốn bán điện trong kỳ giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013 và giá vốn căn hộ trong kỳ giảm 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013”.
Ngoài ra, giá vốn bán khoáng sản trong kỳ giảm 38 tỷ đồng. Có thể thấy, các ngành đã tái cấu trúc đóng góp rất ít cho HAG. Hiện tại, “mỏ vàng” của doanh nghiệp này vẫn là lĩnh vực nông nghiệp.
Trong kỳ, HAG cũng tiến hành góp vốn thành lập CTCP Bò sữa Tây Nguyên nhằm thực hiện dự án chăn nuôi bò với tỷ lệ vốn góp 45%. Công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HAG vẫn mạnh tay đầu tư. Tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAG đến cuối quý 2/2014 là 11.800 tỷ đồng. Trong đó có hơn 6.800 tỷ đồng là chi phí trồng cao su và cọ dầu. Chi phí đầu tư cho dự án HAGL Myanmar đạt gần 2.000 tỷ đồng và đầu tư vào các nhà máy thủy điện đạt hơn 1.400 tỷ đồng.