Tổng cộng 167 người may mắn được một tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha giải cứu ngoài khơi bờ biển tây bắc của Libya ngày 25/7. Khi tàu cứu hộ đến, phần lớn số người di cư đều trong tình trạng chấn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Họ chủ yếu đến từ tiểu vùng Sahara, châu Phi.
Những người trong đoàn cứu hộ tận mắt chứng kiến cảnh tượng hết sức thương tâm: Xác người chết chất đống ở cuối thuyền. Ông Riccardo Gatti, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha Proactive Open Arms, nói: “Khi bạn tận mắt nhìn thấy những người chết, bạn mới cảm nhận được tận cùng của đau thương mà những người di cư phải hứng chịu”. Trong khi cứu hộ, ông Gatti được một số người trên thuyền kể rằng, ba người ngất đi mà không có khả năng hồi tỉnh đã bị ném xuống biển vào đêm trước vì tình trạng quá tải.
Những người trên thuyền được phát hiện khi nó trôi dạt khoảng 15 dặm về phía bắc của Sabratha - thành phố ven biển ở phía tây bắc Libya. Tổng cộng 167 người sống sót trên tàu đã được giải cứu, trong đó có 40 phụ nữ và 6 trẻ em, đứa lớn nhất mới 5 tuổi.
Đa số người di cư trẻ nhất đều mệt lả và sốc. Sau khi được đưa lên bờ, họ ngủ li bì cả ngày lẫn đêm. Theo ông Gatti, hai phụ nữ được giải thoát kể với nhân viên y tế trong đoàn cứu hộ rằng, họ đã bị lạm dụng tình dục nhiều lần và bị đánh đập toàn thân trước khi rời Libya.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, kể từ đầu năm nay, 2.361 người di cư bỏ mạng trên đường vượt Địa Trung Hải và 112.018 người đã cập bến châu Âu. Năm ngoái, ít nhất 3.800 người di cư chết trên cùng tuyến đường vượt biển như thế này. Đây là con số cao nhất từ trước tới giờ kể từ khi có làn sóng di cư từ châu Phi sang châu Âu.