Đêm thơ Nguyên tiêu - sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam 2023 diễn ra từ 19h tối 5/2 tại Hoàng thành Thăng Long. Sau ba năm gián đoạn vì dịch bệnh, Ngày thơ Việt Nam 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trở lại với nhiều sự đổi mới. Lấy tên gọi Nhịp điệu mới, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 mang theo ước vọng về khí thế và niềm tin vào một tương lai tràn đầy hy vọng. Ảnh: NHƯ Ý. |
Cổng thơ - thiết kế cách điệu của họa sĩ Phạm Hà Hải - dẫn dắt khán giả bước vào cõi thơ. Ảnh: NHƯ Ý. |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh trống khai mạc sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Ảnh: NHƯ Ý. |
Nhà báo Phan Đăng và MC, Á hậu Thụy Vân dẫn dắt sự kiện. Ban tổ chức chuẩn bị hai cây thơ, bố trí từ trên cành cao thả xuống những phong thơ, bên trong có những câu hỏi thú vị, đố vui kiến thức thơ dành cho bạn yêu thơ. Ảnh: NHƯ Ý. |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc thơ trên sân khấu Đêm thơ Nguyên tiêu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tin tưởng sức hút của Ngày thơ lần thứ 21 đến từ sự mới mẻ. “Những năm trước, Ngày thơ có sân thơ trẻ, sân thơ già. Năm nay chỉ có sân thơ chung để các nhà thơ trẻ và nhà thơ cao tuổi giao lưu. Vốn dĩ trong thi ca không có tuổi tác”, ông nói với Tiền Phong. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định Ngày thơ Việt Nam 2023 được tổ chức chuyên nghiệp. Không gian rộng lớn của Hoàng thành Thăng Long giúp thơ ca hòa quyện với thiên nhiên. Ảnh: NHƯ Ý. |
Nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại kỷ niệm trong những ngày tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971). Đó cũng là bối cảnh ra đời của bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng. "Tôi xúc động khi tham dự Ngày thơ Việt Nam 2023. Ngay từ phiên họp đầu tiên, BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã quyết định duy trì, phát triển và đổi mới Ngày thơ Việt Nam. Sau 21 năm, Ngày thơ trở thành lễ hội với người yêu thơ cả nước", nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết. Ảnh: NHƯ Ý. |
Ngày thơ Việt Nam 2023 là dịp để nhà thơ ở nhiều thế hệ giao lưu, thể hiện tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến mang đến Đêm thơ Nguyên tiêu bài thơ Về khổ đau và đại bác (sáng tác năm 1991). Ảnh: NHƯ Ý. |
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trên sân khấu Ngày thơ Việt Nam 2023. Ảnh: NHƯ Ý. |
Ca sĩ Đăng Dương thể hiện ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Du - Đường chúng ta đi. Ảnh: NHƯ Ý. |
Đan xen với phần đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ thơ được đông đảo công chúng yêu mến. Ảnh: NHƯ Ý. |
Ngày thơ Việt Nam 2023 có sức hút lớn với độc giả, người yêu thơ. Từ trước sự kiện chính, khán giả tới tham gia các hoạt động ở Đường thơ, Đường sách, Nhà ký ức. Ông Mến (Hà Nội) tới Ngày thơ Việt Nam 2023 cùng con trai và cháu nội. Ông cho biết được con cháu động viên tới sự kiện để thỏa niềm yêu thích với thơ ca. “Tôi 88 tuổi rồi. Tên con cháu có khi nhớ lẫn lộn cả. Nhưng tôi đọc thuộc làu làu các bài thơ tự sáng tác. Buổi tối thỉnh thoảng tôi còn đọc thơ để các cháu gõ lại rồi in ra giấy”, ông Mến hóm hỉnh chia sẻ”. Ảnh: NGỌC ÁNH. |
Từ sáng 5/2, quầy vẽ ký hoạ chân dung siêu tốc của nhà thơ Trần Nhương có sức hút đặc biệt. Ảnh: NGỌC ÁNH. |
Một độc giả nhỏ tuổi khoe quẻ bói vừa bốc được tại Đường sách. Mỗi quẻ bói tương ứng với bốn câu thơ. Ảnh: NGỌC ÁNH. |
Đông đảo nhà thơ, khán giả yêu thơ có mặt tại sự kiện. Tại Ngày thơ Việt Nam 2023, công chúng có thể xem các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng, góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam thông qua màn hình LED trước cổng Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: NHƯ Ý. |
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc cho biết không gian cổ kính, thiêng liêng và hoành tráng của Hoàng thành Thăng Long giúp khán giả cảm thấy rung động khi tới dự Ngày thơ Việt Nam 2023. Trái lại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi tổ chức Ngày thơ những năm trước gợi cảm xúc sâu lắng. Ảnh: NHƯ Ý. |
Ngày thơ Việt Nam 2023 mang tinh thần mới mẻ, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội mở cửa tự do cho khán giả đến với Ngày thơ. Ảnh: NHƯ Ý. |