Đề xuất tăng phí đăng kiểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có công văn kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh gấp phí dịch vụ và thu nhập cho đăng kiểm viên nhằm giảm ùn tắc đăng kiểm cuối năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 30/10, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam - kiến nghị: "Để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong thời điểm hiện nay, hiệp hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thực hiện các giải pháp cơ bản, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới một cách kịp thời".

Đề xuất tăng phí đăng kiểm ảnh 1

Tăng phí đăng kiểm là một trong những giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc đăng kiểm trong thời gian tới.

Theo ông Quyền, giá kiểm định xe cơ giới hiện hành đã ban hành từ năm 2013, qua hơn 10 năm áp dụng đến nay không còn phù hợp khi mà các chi phí đầu vào đều tăng cao như: chi phí tiền lương, tiền điện. Việc thực hiện một số quy định mới trong công tác kiểm định cũng làm tăng thêm một số khoản mục chi không nhỏ so với trước.

Để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong thời gian cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định. Mặt khác, để khôi phục năng lực kiểm định theo công suất của các trung tâm đăng kiểm thì vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Vì vậy, thu hút được nguồn nhân lực thì thu nhập cho người lao động là yếu tố có tính quyết định. Ngoài ra, khi giá kiểm định tăng sẽ thu hút nhiều trung tâm đăng kiểm mở thêm để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

"Bộ GTVT có thể điều chỉnh giá được ngay thay vì chờ Luật Giá mới sang năm mới ban hành", ông Quyền nói.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ: GTVT, Tài chính, Tư pháp về việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Văn bản nêu rõ, dựa trên báo cáo của Bộ GTVT về việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10 này.

Trong văn bản cũng lưu ý cần làm rõ căn cứ pháp lý, sự cần thiết sửa đổi quy định "Nhà nước định giá cụ thể" sang "Nhà nước định giá tối đa", bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về giá, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Trường hợp ban hành Nghị định, sửa đổi bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn phải bảo đảm theo đúng quy định của Điều 146, Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần làm rõ khái niệm, phạm vi "dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải" và "dịch vụ kiểm định xe cơ giới" theo quy định. Trên cơ sở đó, rà soát, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xác định văn bản cần sửa đổi, bổ sung cũng như xác định cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của pháp luật.

Phân tích kỹ, đánh giá đầy đủ tác động của việc sửa đổi quy định "Nhà nước định giá cụ thể" sang "Nhà nước định giá tối đa" đối với dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải, dịch vụ kiểm định xe cơ giới, bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và quy định của Luật Giá số 16/2023/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

Đầu tháng 7, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất Bộ GTVT trình Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành, với mức tăng từ 26-28%.

Cục Đăng kiểm cũng đề xuất chuyển dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ "Nhà nước định giá cụ thể" sang "Nhà nước định giá tối đa", nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, 2 tháng cuối năm nay có khoảng 677.802 xe cơ giới đến hạn kiểm định, năng lực của các trung tâm đăng kiểm ở một số địa phương có thể không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

MỚI - NÓNG