Bình Định:

Đề xuất nhiều sản phẩm du lịch ban đêm ở Quy Nhơn

TPO - Ngày 12/8, UBND TP. Quy Nhơn cho biết đã báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) liên quan đến đề xuất các địa điểm để thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Định đến năm 2030”.

Theo đó, dự kiến các chương trình, hoạt động nhằm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Quy Nhơn, gồm: Ẩm thực tại phố ẩm thực Ngô Văn Sở (phường Trần Phú), thành phố kiến nghị kéo dài thời gian hoạt động từ 17 - 22h sang từ 17-23h hằng ngày.

Phố ẩm thực Phan Bội Châu (phường Lê Lợi) và một số cơ sở dịch vụ ăn uống dọc các tuyến đường trung tâm như Xuân Diệu, An Dương Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Trung Tín, Bình Hà... vẫn hoạt động từ trước đến nay.

Về vui chơi giải trí, tập trung ở các địa bàn phường Lý Thường Kiệt, Thị Nại và hệ thống rạp chiếu phim như Star Light, Quốc Khánh, CGV Quy Nhơn… Các show diễn nghệ thuật đường phố vào thứ Bảy và Chủ nhật tại Công viên Trịnh Công Sơn; nghệ thuật truyền thống tuồng, dân ca kịch, bài chòi tại Trung tâm Hội nghị tỉnh; hoạt động hô hát bài chòi tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, trình diễn nghệ thuật múa Chăm (Tháp Đôi)...

Riêng phố đi bộ Quy Nhơn (phường Lý Thường Kiệt, Trần Phú) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.

Về mua sắm, hiện có các địa điểm bán đặc sản địa phương, hàng quần áo, hàng OCOP, chợ đêm; các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng tiện lợi 24/7… các trung tâm thương mại, siêu thị; hệ thống siêu thị điện máy; hệ thống các cửa hàng tiện lợi.

Đề xuất nhiều sản phẩm du lịch ban đêm ở Quy Nhơn ảnh 1

TP. Quy Nhơn về đêm. Ảnh: Dũng Nhân.

Đối với dịch vụ tham quan, tour, triển khai các tour du lịch cộng đồng tại Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu; tour xích lô, xe điện thưởng ngoạn trung tâm thành phố Quy Nhơn; các điểm tham quan vào buổi tối như Tháp Đôi, Chùa Long Khánh, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn...

Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao, tập trung tại phường Nguyễn Văn Cừ.

Về lưu trú, trên địa bàn thành phố có 369 khách sạn, trong đó 1 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao, 14 khách sạn 3 sao, 38 khách sạn 2 sao, 26 khách sạn 1 sao, và có 249 khách sạn đạt chuẩn, 31 khách sạn chưa thẩm định.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định - cho rằng đề án này sẽ tạo những sản phẩm du lịch mới về đêm tại TP. Quy Nhơn, góp phần thu hút khách du lịch tốt hơn. Việc này cũng góp phần triển khai chương trình hành động về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025.

Thi tuyển thiết kế không gian ngầm

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương gia hạn thời gian tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch xây dựng các không gian ngầm trên địa bàn TP. Quy Nhơn đến tháng 9 năm nay, để tiếp tục tổ chức mời các tổ chức, cá nhân tham gia dự thi.

Cuộc thi khởi đầu từ năm 2023, do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai. Hai vị trí dự kiến quy hoạch xây dựng không gian ngầm là khu vực Công viên thiếu nhi (khoảng 5ha) và khu vực Quảng trường Quy Nhơn (3,61ha).

Ông Huỳnh Ngọc Hoàng - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - cho hay, xuất phát từ thực tế khu nội thành TP. Quy Nhơn hiện nay không còn quỹ đất để xây dựng các công trình dịch vụ để phục vụ du lịch nên Sở nghiên cứu các không gian khác để khai thác không gian thành phố. Tuy nhiên, qua 2 đợt tổ chức thi tuyển có rất ít người tham gia, do không đủ bài dự thi nên không thể tổ chức Hội đồng để chấm. Về cơ cấu giải thưởng, 1 giải nhất với số tiền 500 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.