Đề xuất chính phủ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên: Người trong cuộc nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chuyên gia, các nhà giáo dục cho rằng, vấn đề tuổi hưu giáo viên không nên quy định cứng mà nên đưa ra khoảng tuổi sẽ hợp lý hơn. Bởi lẽ, độ tuổi nghỉ hưu còn tùy thuộc vào nhu cầu của quản lý nhân sự và của nhân viên. 

Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có nội dung kiến nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước. Cụ thể, đối với nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55.

Trong khi từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên được nâng lên theo lộ trình quy định đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”, báo cáo nêu.

Đề xuất chính phủ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên: Người trong cuộc nói gì? ảnh 1

Đề xuất chính phủ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM hoàn toàn đồng ý với kiến nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước.

Theo cô Thảo, nhìn việc giảng dạy có vẻ không vất vả, nhưng sự thực thì không thế. Thậm chí là rất bận rộn, với vô vàn việc không tên. Ngoài ra, về mặt sức khoẻ từ sau 55 tuổi phụ nữ cũng có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý cũng như khoảng cách về thế hệ khá cao do sự phát triển nhanh của xã hội. Vì thế, theo cô Thảo, nếu như kéo lên 60 tuổi quả thực là quá tải.

"55 tuổi về hưu còn có những giây phút thư thái bên gia đình và làm những việc riêng sau thời gian dài gánh vác trọng trách và sứ mệnh nghề nghiệp. Còn 60 là quá dài và tạo nên những áp lực mệt mỏi, căng thẳng với nữ giáo viên", cô Thảo tâm sự.

Không muốn kéo dài tuổi hưu, cô Lò Thị An, giáo viên mầm non tại Xín Cái, Huyện Mèo Vạc, Hà Giang còn có thêm nhận định với ngạch giáo viên mầm non. Cô An khẳng định, 55 tuổi nghỉ hưu với nữ giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo là bất hợp lí. “Tôi kiến nghị, tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 50 sẽ phù hợp hơn”- cô An nêu quan điểm.

'Tuổi nào nghỉ hưu phù hợp còn tùy thuộc vào nhu cầu của quản lý nhân sự và của chính nhân viên. Người chưa có thành tựu gì thì muốn nghỉ hưu muộn, nhưng người có đủ thứ rồi thì muốn dừng sớm. Người sức khỏe kém muốn nghỉ hưu sớm, còn người có sức khỏe tốt lại muốn làm thêm. Vì thế, khoảng tuổi nghỉ hưu từ 55 đến 65 là hợp lý hơn việc quy định cứng", bà Vũ Thu Hương- chuyên gia giáo dục độc lập.

Trong khi, nhiều giáo viên mong muốn tuổi nghỉ hưu sớm như trước thì lại có giáo viên không coi trọng đến tuổi tác nghỉ hưu. Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại trường tiểu học tại Nhật Bản là một ví dụ. Cô giáo này khẳng định, việc nghỉ hưu ở tuổi nào không quan trọng bằng việc thường xuyên sàng lọc trình độ giáo viên. "Nếu giáo viên vẫn cập nhật được những xu hướng giáo dục hiện đại, cộng với có nhiều kinh nghiệm thì giáo viên nên nghỉ hưu muộn. Còn nếu giáo viên lớn tuổi ỉ lại, không chịu trau dồi kiến thức thì nên nghỉ hưu sớm", cô Thanh nêu quan điểm.

Nên có khung tuổi nghỉ hưu cho giáo viên

Bà Vũ Thu Hương, một chuyên gia giáo dục độc lập cho rằng, Chính phủ nên có khoảng tuổi nghỉ hưu từ 55 đến 65 là hợp lý hơn việc quy định “cứng”.

"Tuổi nào nghỉ cho phù hợp còn tùy thuộc vào nhu cầu của quản lý nhân sự và của chính nhân viên. Người chưa có thành tựu gì thì muốn nghỉ hưu muộn, nhưng người có đủ thứ rồi thì muốn dừng sớm. Người sức khỏe kém muốn nghỉ hưu sớm, còn người có sức khỏe tốt lại muốn làm thêm. Vì thế, khoảng tuổi nghỉ hưu từ 55 đến 65 là hợp lý hơn việc quy định cứng”, bà Hương nói.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM nêu quan điểm, nên chia độ tuổi về hưu ở các bậc học.

Theo cô Thảo, giáo viên ở bậc phổ thông và ở bậc đại học có những điểm khác nhau vì công việc giảng dạy của giảng viên ở bậc đại học không như ở phổ thông. Những đóng góp của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là sự cần thiết trong việc định hướng và dẫn dắt thế hệ tiếp nối nên có thể tuổi về hưu muộn hơn.

“Tôi cho rằng nên có khung tuổi về hưu riêng cho hai bậc học này. Ở bậc đại học, kiến thức chuyên môn sâu càng cần được mở rộng và truyền bá càng tốt để tạo nên nền tảng cho khoa học thay vì dừng lại ở tuổi nhất định. Nhưng cũng nên định mức theo học hàm chứ không đánh đồng tất cả”- cô Thảo nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG