Thanh Hóa: Gần 40 năm công tác, hàng chục giáo viên nghỉ hưu tay trắng

Hàng chục giáo viên ở Thanh hóa nghỉ hưu không lương
Hàng chục giáo viên ở Thanh hóa nghỉ hưu không lương
TPO - Hàng chục giáo viên mầm non ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có thời gian công tác liên tục trong ngành gần 40 năm, nhưng sau khi về hưu không lương, không chế độ bảo hiểm y tế. Nhiều người phải đi giúp việc, làm thuê để có chi phí trang trải trong cuộc sống.

Không chế độ, không lương

Câu chuyện của bà Lê Thị Thơm (SN 1961, thôn Bình Xuyên, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy) được kể trong nước mắt, khiến cho nhiều người không khỏi bùi ngùi. Sau 38 năm công tác liên tục trong ngành giáo dục mầm non, đến khi về hưu (tháng 1/2016), bà Thơm không được nhận bất kỳ chế độ, đồng lương nào, ngoài 7 tháng lương bảo hiểm thất nghiệp (hơn 16 triệu đồng).

Bà Lê Thị Thơm kể, sau 2 năm dạy lớp vỡ lòng, từ ngày 5/9/1978, bà Thơm chuyển sang dạy mầm non tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Những năm đầu, bà Thơm mới có bằng sơ cấp, theo quy định thì chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Đến tháng 7/2007, bà Thơm mới đủ điều kiện để đóng bảo hiểm. Cho đến thời điểm nghỉ hưu, bà Thơm mới đóng được 9 năm 2 tháng bảo hiểm.

“Theo hướng dẫn của văn bản 3658/BHXH-BT ngày 17/9/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và văn bản số 614 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh hóa về việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non từ năm 1995 tới nay. Tôi và nhiều giáo viên khác công tác liên tục trong ngành từ trước năm 1995, đã làm hồ sơ xin truy đóng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Hiện nay, chúng tôi đã nghỉ hưu nhưng không lương, không được hưởng một chế độ gì. Khi ốm đau, bệnh tật không có bảo hiểm y tế. Nhiều người phải vay mượn để buôn bán, chăn nuôi; có người thì đi giúp việc, làm thuê để có chi phí trang trải cho cuộc sống. Cuộc sống của nhiều người cực kỳ khó khăn”- Bà Thơm cho biết.  

Thanh Hóa: Gần 40 năm công tác, hàng chục giáo viên nghỉ hưu tay trắng ảnh 1 Cô Lê Thị Thơm nghẹn ngào trao đổi với phóng viên.

Liên tục nhiều năm qua, bà Thơm cùng với hơn 30 trường hợp khác tương tự giống bà đã nhiều lần gửi đơn, gặp trực tiếp cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, đến tháng 1/2019, nội dung kiến nghị của bà Thơm và hàng chục giáo viên mầm non đã nghỉ hưu không có chế độ vẫn chưa được giải quyết.

Chờ đến bao giờ?

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Thủy cho biết, hiện nay toàn huyện Cẩm Thủy còn 33 trường hợp giáo viên chưa được truy đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tại văn bản trả lời bà Thơm ngày 9/8/2017, UBND huyện Cẩm Thủy nói rõ: Sau khi nhận báo cáo của các trường mầm non, tính đến năm 2014, cả huyện có 34 giáo viên (hiện có một người đã được giải quyết – PV) đang công tác tại các trường mầm non thuộc huyện nộp hồ sơ về UBND huyện xin truy đóng BHXH. Hồ sơ xin truy đóng của 34 giáo viên đã được UBND huyện tiếp nhận, tuy nhiên nhiều giấy tờ không hợp lệ hoặc đã bị lạc.

Trên cơ sở xác minh của phòng GDĐT, ngày 26/12/2014, UBND huyện đã có văn bản gửi BHXH tỉnh Thanh Hóa, BHXH huyện Cẩm Thủy giải quyết truy thu cho giáo viên. UBND huyện Cẩm Thủy cũng đã xác nhận tính pháp lý hồ sơ của giáo viên mầm non và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin trong hồ sơ cá nhân của từng giáo viên được đề nghị truy thu. Tuy nhiên, đến tháng 4/2015, UBND huyện Cẩm Thủy nhận được biên bản bàn giao lại toàn bộ hồ sơ gốc của BHXH với giải thích: Hồ sơ thiếu quyết định, các giấy tờ tuyển dụng, hợp đồng ban đầu, thiếu một số giấy tờ...

Sau đó các hồ sơ đã được bổ sung đầy đủ thủ tục, nhiều lần bà Thơm và các cựu giáo viên có đơn, trực tiếp gặp gửi kiến nghị tới lãnh đạo, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, bà Thơm và các cựu giáo viên vẫn mới chỉ nhận được trả lời sẽ giải quyết, đề nghị tiếp tục chờ đợi.

Gần đây nhất, ngày 28/12/2018, tại văn bản số 1703, BHXH tỉnh Thanh Hóa có nội dung trả lời bà Thơm: Ngày 12/7/2018, BHXH Việt Nam có công văn 2609 đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non do nộp hồ sơ chậm. Tuy nhiên, đến nay, BHXH tỉnh chưa nhận được chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, nên việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non, trong đó có nội dung mà bà Thơm đề nghị chưa được thực hiện.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Lê Thị Thơm nói: Từ khi mới thành lập cấp học mầm non, đồng lương phụ cấp ít ỏi, đời sống khó khăn vất vả nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, không ngại khó khăn, vất vả, chúng tôi công tác liên tục từ 38-40 năm trong ngành. Chúng tôi đã chờ đợi nhiều năm để cơ quan chức năng giải quyết, chỉ mong có các chế độ để lo cho tuổi già. Thế nhưng đến nay, nhiều người bệnh tật phải chờ tiền của con gửi về hỗ trợ lo chữa bệnh, nhiều người thì đi làm thuê, rửa bát thuê... để có thu nhập lo cho cuộc sống. Bản thân tôi không biết có đủ sức để tiếp tục chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết nữa hay không! 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.