Giảng viên trình độ cao sẽ nghỉ hưu muộn?

0:00 / 0:00
0:00
Giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ có thể sẽ được kéo dài thời gian làm việc (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Diệp An
Giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ có thể sẽ được kéo dài thời gian làm việc (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Diệp An
TP - Bộ GD&ÐT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, có nội dung đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo quy định, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) và có trình độ tiến sĩ (TS) là giảng viên cơ hữu tại cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Thời gian kéo dài do cơ sở giáo dục ĐH quyết.

PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đề xuất Bộ GD&ĐT cho các trường ĐH công lập được tuyển dụng giảng viên trình độ cao ngoài độ tuổi lao động và phải được công nhận như giảng viên cơ hữu. Đây là sự bình đẳng giữa 2 khu vực công và tư theo đúng lộ trình công nhận tự chủ toàn diện của các trường ĐH công lập.

“Trên thực tế, đội ngũ giảng viên này có khá nhiều lựa chọn khi nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục làm việc ở các trường dân lập (không bị hạn chế) nên để giữ được, cần có chính sách thu nhập tốt và cơ chế làm việc linh hoạt theo hướng coi trọng kết quả hơn các ràng buộc hành chính. Nhiệm vụ của họ là tập trung vào khoa học và đào tạo sau ĐH, hướng dẫn giảng viên trẻ”, ông Tiến nói. Theo ông, số lượng tiến sĩ ở các trường đã tăng nhanh thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều trường có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ chưa đạt tỷ lệ chuẩn quốc gia, nhất là với những cơ sở giáo dục định hướng nghiên cứu. Bộ GD&ĐT vừa có quy định, từ năm 2022, mỗi ngành đào tạo hệ ĐH cần có 5 tiến sĩ nên các trường cần nhiều tiến sĩ, ít nhất là trong 10 năm tới.

Ngay cả khi đạt được học vị tiến sĩ thì cũng cần tiếp tục phấn đấu, nâng cao năng lực, kinh nghiệm về học thuật, đạt được các thành tựu khoa học. Những giảng viên có học hàm, học vị cao nhiều tuổi sẽ hỗ trợ rất tốt trong đào tạo, định hướng giảng viên trẻ. “Như vậy, việc kéo dài thời gian công tác đối với đội ngũ giảng viên trình độ cao hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của những người trẻ. Hiện nay, xu hướng chuyển việc khá nhiều, quy mô đào tạo tiếp tục tăng, đầu tư cho khoa học của các trường ngày càng lớn, hợp tác với doanh nghiệp nhiều, nên nhu cầu nhân lực của các cơ sở giáo dục vẫn rất cao, nhất là với các tiến sĩ. Hơn nữa, nhu cầu của thị trường lao động chủ yếu vẫn là từ khu vực doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi, thu nhập cao nên người trẻ có rất nhiều lựa chọn nếu họ đáp ứng”, ông Tuyến nhận định.

Cần có điều kiện

GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nói rằng, với các ngành, lĩnh vực nặng về lao động trí óc, ở các nước phát triển hầu như không có quy định tuổi nghỉ hưu, kể cả làm công tác quản lý. Chỉ khi nào nhà khoa học thấy mệt (suy giảm về sức khỏe, thể lực), thấy chán (hết đam mê), tức năng suất lao động giảm sút, thì xin nghỉ. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, ông Viên cho rằng, nên có quy định cụ thể, như chỉ giữ lại các nhà khoa học có năng suất lao động cao, tránh kéo dài thời gian làm việc với tất cả giảng viên đã tới tuổi nghỉ hưu. Bởi dù có kinh nghiệm nhưng không ít người khả năng truyền thụ kém vì bản thân họ không có nền tảng vững chắc về nghiên cứu khoa học.

“Do đó, tôi cho rằng chỉ nên kéo dài thời gian làm việc với những ai có bằng phát minh, sáng chế, có công bố khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI, Scopus) ít nhất 25-30 bài và tác giả của sách xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín ở nước ngoài, trong đó tối thiểu có 5-10 bài là tác giả chính hoặc người chịu trách nhiệm chính, có ít nhất 5 bài trong 5 năm gần đây, ít nhất 3 năm gần nhất có 1 bài. Nếu ai đến tuổi về hưu cũng giữ lại, trong khi nhiều người rất yếu, không biết tiếng Anh thì không thể có khả năng tham khảo tài liệu sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục ĐH”, ông Viên nói.

“Những lớp tiến sĩ, nhà khoa học trẻ rất tài năng, năng động và có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, đào tạo của nước nhà. Nhưng đâu đó, họ vẫn còn thiếu kinh nghiệm, do đó rất cần những “cây đa, cây đề” để cùng chung tay, góp sức”.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng ĐH Huế, cho rằng, nên có mức trần về khung thời gian được kéo dài làm việc. Ví dụ, tiến sĩ, phó giáo sư có thể làm việc tối đa đến 68 tuổi; giáo sư làm việc tối đa đến 70 hoặc 72 tuổi. Ngoài ra, nên có những điều kiện ràng buộc khi kéo dài thời gian làm việc và không nhất thiết phải tất cả tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đều được kéo dài. Theo ông Chương, nếu kéo dài chỉ để giảng dạy và đứng tên cơ hữu, giữ ngành học, mở ngành thì không cần thiết. Việc kéo dài nên ưu tiên cho những giảng viên thật sự còn nhiều cơ hội và năng lực để tham gia hoặc đủ điều kiện chủ trì các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ trì triển khai được các đề tài lớn.

“Việc tự quyết định các điều kiện và thời gian kéo dài làm việc thể hiện được tính tự chủ ĐH và phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi cơ sở đào tạo. Nhưng nghị định cũng cần có những quy định khung để có sự đồng bộ “một sàn chung” cho cả nước”, ông Chương đề xuất.

MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.