Trong phần kiến nghị, đề xuất, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây.
Cụ thể, đối với nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 nhằm phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này với giáo viên lớn tuổi là không cao.
Đề xuất chính phủ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. |
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên được nâng lên so với trước đây theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.
“Theo lộ trình quy định đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”, báo cáo nêu.
Cũng liên quan đến chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu Chính phủ quan tâm đến chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành giáo dục và Đào tạo, như: Cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục để đảm bảo đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành giáo dục; đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên về công tác tại huyện…
Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách liên quan đến đãi ngộ nhà giáo; đảm bảo ổn định kinh tế để yên tâm công tác đặc biệt là cấp mầm non.
Theo báo cáo, thực tế hiện nay, lương và chế độ đãi ngộ của giáo viên vẫn chưa có chính sách ưu tiên, đội ngũ giáo viên mới tuyển dụng và đặc biệt giáo viên mầm non lương thấp không đảm bảo cuộc sống, chưa tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới.
Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông hiệu quả, thiết thực, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kịp thời, đầy đủ để phụ huynh học sinh và học sinh THPT lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh.