Đề nghị đơn vị kinh doanh phải bồi thường khi người tiêu dùng bị lộ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Có ý kiến còn đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ”, đồng thời, bổ sung hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng.

Bảo vệ bí mật thông tin

Chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đề nghị đơn vị kinh doanh phải bồi thường khi người tiêu dùng bị lộ thông tin ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Như Ý).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc xây dựng dự án nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

“Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Dự thảo Luật lần này đã bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình.

Theo Bộ trưởng Công Thương, hiện nay, hệ thống pháp luật thương mại và dân sự hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện giao dịch. Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp trong giao dịch mua bán, các tổ chức sẽ ưu tiên sử dụng các phương thức hòa giải hoặc trọng tài được quy định tại pháp luật hòa giải hoặc trọng tài nhằm bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xử lý. Do vậy, việc áp dụng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của các tổ chức là không phù hợp với thực tiễn.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phần lớn các nước có nền kinh tế phát triển và có kinh nghiệm lâu năm trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều đang quy định khái niệm người tiêu dùng là cá nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ để sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng trong hộ gia đình, mà không vì mục đích thương mại hoặc sử dụng vào quá trình sản xuất. Các quốc gia có quy định như trên gồm: Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Canada, Nga, Đức, Nhật Bản, Singapore…”, ông Diên cho hay.

Đáng lưu ý, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm người tiêu dùng có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng thông thường, dự thảo luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Để tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng”, Bộ trưởng Công Thương cho hay.

Chia sẻ thông tin người tiêu dùng "phải được sự đồng ý"

Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho rằng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải “được sự đồng ý” của người tiêu dùng.

Đề nghị đơn vị kinh doanh phải bồi thường khi người tiêu dùng bị lộ thông tin ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy (Ảnh: Như Ý).

Về thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng (Điều 10), Ủy ban KHCN&MT nhất trí với việc bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Huy, quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo trong trường hợp thu thập thông tin đã được công khai của người tiêu dùng hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật” cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh phải tiếp tục quy định và thực hiện theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.

“Thực tế ở cả trong và ngoài nước đều cho thấy, mặc dù có cam kết bằng văn bản nhưng vẫn khó bảo đảm bên thứ ba tuân thủ việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng”, theo ông Huy, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc chia sẻ thông tin cho bên thứ ba là nội dung phải thông báo cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng đồng ý.

Bên cạnh đó, có ý kiến còn đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ” thuộc 3 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 12, đồng thời, bổ sung hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng.

Dự kiến, ngày 11/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

MỚI - NÓNG