Một lãnh đạo của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, cơ quan chức năng huyện này đang vào cuộc xác minh một số nội dung phản ánh liên quan hoạt động thu- chi của trường Mầm non Quý Sơn số 2 (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn), nơi có gần 500 cháu nhỏ đang theo học.
Tuy nhiên, theo thông tin của phóng viên Tiền Phong, một trong những nội dung đáng chú ý khác lại không có trong nội dung đơn thư đang được cơ quan chức năng huyện này xác minh. Đó là dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ để chiếm hưởng trái phép tiền lương chi trả cho các cô nuôi ( cô nấu ăn cho trẻ) tại ngôi trường này.
Trường Mầm non Quý Sơn số 2. |
Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, từ nhiều năm nay, số lượng các cô nấu ăn theo danh sách được Trường Mầm non Quý Sơn số 2 thuê và chi trả lương đều đặn mỗi tháng là 9 người. Đây cũng là định biên (định mức) nhân công nấu ăn được phép thuê theo quy định đối với trường học mầm non có số trẻ từ 450-500 cháu.
Tuy danh sách số lượng các cô nấu ăn lĩnh lương là 9 nhưng theo xác minh của phóng viên, chỉ có 6 cô đang làm việc tại đây, 3 cô còn lại dù có tên trong danh sách nhận lương nhưng họ chưa từng đến trường lao động như hồ sơ hợp đồng với nhà trường. Bản chất ở đây có dấu hiệu của một thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền do phụ huynh đóng góp để nhà trường thuê nhân công nấu ăn cho trẻ theo quy định.
“Kể cả đi tù tôi cũng nói ra sự thật”
Một trong những nhân chứng xác nhận việc này với phóng viên báo Tiền Phong vào chiều ngày 5/6 là anh Trần Văn Bảo, bảo vệ nhà trường (sinh 1989), nhà ở ngay cạnh trường, có vợ là Lương Thị Thủy (sinh năm 1988) là người có tên trong danh sách nhận lương nấu ăn cho trẻ.
Từ năm 2021, mức lương chi cho các cô nuôi ( cô nấu ăn cho trẻ ) ở Trường Mầm non Quý Sơn số 2 là hơn 4 triệu đồng. Chỉ có 6 nhân sự cô nuôi thực làm việc tại trường, 3 người còn lại theo thứ tự trong danh sách trên là 5 ,6 và 7 chỉ là “nhân sự” trên hồ sơ. |
Anh Bảo kể, mỗi tháng anh chỉ biết ký và ghi tên vợ vào bảng chữ ký nhận lương của vợ thôi chứ thực tế gia đình anh không được nhận lương này. “ Kể cả đi tù tôi cũng sẽ nói ra sự thật là như vậy”, anh Bảo nói.
Anh cho biết, cách đây vài năm, do anh làm bảo vệ của nhà trường, nên khi “cô” ( tức bà Vũ Thị Hải Truyền, hiệu trưởng Trường mầm non Quý Sơn 2) lúc ấy đã làm hiệu trưởng nói anh đưa giấy tờ của vợ và yêu cầu anh làm cả giấy khám sức khỏe cho vợ anh để có hồ sơ đưa vào nhà trường, anh phải nghe theo. “Vợ tôi chưa bao giờ đến trường làm và gia đình tôi cũng chưa bao giờ nhận đồng tiền nấu ăn của nhà trường”, anh Bảo bức xúc.
Nội dung này cũng được chị Lương Thị Thủy xác nhận với phóng viên qua điện thoại rằng chị chưa bao giờ làm việc cho trường mầm non này. “ Em chưa bao giờ nhận tiền gì của trường Mầm non Quý Sơn 2”, chị Thủy nói.
Anh Trần Văn Bảo khẳng định vợ anh “không làm gì cho nhà trường cả”, anh là người ký nhận lương nấu ăn của vợ trên giấy tờ nhưng ” chưa từng được lĩnh tiền này”. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, mức lương của những người nấu ăn cho trẻ hiện nay của nhà trường từ 4- 5 triệu đồng/tháng. Chỉ riêng với 3 nhân sự nấu ăn diện hợp thức hóa hồ sơ nói trên thì số tiền mà Trường Mầm non Quý Sơn số 2 bị thất thoát có thể đã lên đến hàng trăm triệu đồng do phải chi tiền lương cho 3 định suất trên giấy trong nhiều năm qua.
Rõ ràng vụ việc này có dấu hiệu của hành vi tham ô tài sản. Vấn đề ở chỗ, ai là người đã hưởng số tiền này, đây là điều cơ quan có thẩm quyền ở địa phương này cần sớm vào cuộc làm rõ.
Chiều 5/6, một số điện thoại lạ gọi vào số máy của phóng viên với những lời lẽ chợ búa: "Mày là ai mà lên đây làm loạn? Mày giả danh nhà báo đe dọa ai… Tao ghi âm hết rồi…Tao sẽ báo với công an cho mày xem...".
Thật bất ngờ khi phóng viên xác minh ra thì đó là số máy của bà hiệu trưởng Trường Mầm non Quý Sơn số 2 - Vũ Thị Hải Truyền.