Theo ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, người dân đã sử dụng con đường dẫn vào khu di tích Lò Gạch Võ Công Tồn từ 10 năm nay.
Ông Tuấn khẳng định, muốn "đóng" con đường này thì phải mở đường khác cho người dân lưu thông. Việc đấu nối giao từ đường nội bộ, đường chuyên dụng ra đường dân sinh thì chủ đầu tư có quyền làm cổng, đóng mở cổng...
"Vấn đề đặt ra ở đây là người dân còn ở trong khu vực này. Chính vì thế, chủ đầu tư phải mở rào chắn để người dân đi. Cái này chính quyền phải can thiệp. Không cho đi đường này thì phải mở đường khác cho dân đi", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An trả lời báo chí. |
Những ngày qua, rào chắn con đường dẫn vào khu di tích đã được chính quyền huyện Bến Lức can thiệp, chỉ đạo tháo dỡ. |
Trước đó, con đường lớn dẫn vào khu di tích Lò Gạch Võ Công Tồn bị chủ đầu tư Khu công nghiệp Phúc Long rào chắn, chỉ chừa lối cho xe máy. Lối đi khác là hẻm 2 (thuộc KP 9, thị trấn Bến Lức) chỉ cho tải trọng 2,5 tấn dẫn vào ấp Lò Gạch, xã Long Hiệp. |
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức Lê Thành Út cho biết, năm 2009 dự án Khu công nghiệp Phúc Long được chủ trương mở rộng diện tích để làm đường kết nối từ khu công nghiệp vào khu tái định cư với diện tích khoảng 1,5 ha. Có 5 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Quá trình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều hộ không đồng ý với chủ trương thu hồi đất.
Đến năm 2010, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phúc Long đã thỏa thuận thuê đất của các hộ dân, đồng thời làm đường kết nối giữa hai khu với nhau có chiều dài hơn 50 m. Đến tháng 4, hợp đồng thuê đất giữa đơn vị này với các hộ dân kết thúc thời hạn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, hiện nay phần đất này nằm trong mặt bằng dự án đường tỉnh 830E được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất. Khi dự án đường tỉnh 830E triển khai thi công, đoạn đường kết nối giữa khu công nghiệp Phúc Long và khu tái định cư sẽ bị xóa để phục vụ công trình trọng điểm. Vì vậy, việc đi lại của người dân từ khu tái định cư ra Quốc lộ 1 sẽ lưu thông ra đường Hẻm 2, vào di tích lịch sử Võ Công Tồn.
"Hẻm 2 có nền đường rộng 4,5 m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5 m cơ bản đáp ứng được điều kiện lưu thông của phương tiện ô tô", ông Út cho hay.