Đặt hàng đào tạo sư phạm, tắc vì đâu - Bài cuối: Khơi thông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ GD&ĐT vừa có tờ trình Chính phủ về sửa đổi Nghị định 116. Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi nghị định mà không có thêm các giải pháp khác thì vẫn không thể tháo gỡ được những bế tắc trong đào tạo nguồn giáo viên hiện nay.

Nói về Nghị định 116, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đặt hàng và đấu thầu là những phương thức sử dụng phổ biến trong kinh tế. Các phương thức này có nhiều ưu điểm. Trong đào tạo nói chung, đào tạo giáo viên nếu các phương thức này có đủ điều kiện để thực hiện sẽ góp phần xã hội hóa và tạo cạnh tranh trong đào tạo. Tuy vậy, đào tạo giáo viên có những đặc điểm rất khác biệt làm cho việc đặt hàng, đấu thầu ít khả thi.

Đặt hàng đào tạo sư phạm, tắc vì đâu - Bài cuối: Khơi thông ảnh 1

Cần nhiều quyết sách để đủ giáo viên đứng lớp. Ảnh: Thế Đại

PGS. Sơn lấy ví dụ đào tạo đòi hỏi thời gian dài, việc theo dõi, loại bỏ những trường hợp không đáp ứng yêu cầu kéo theo nhiều khó khăn; không có chỉ tiêu kỹ thuật rõ ràng để đo đạc và so sánh chất lượng của sản phẩm (sinh viên tốt nghiệp) giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều tỉnh chưa có hoặc không có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật...để đặt hàng, đấu thầu. “Như vậy, chưa đủ các điều kiện để thực hiện thì dù phương thức hay cũng không đem lại hiệu quả”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, đây là vấn đề rất khó đòi hỏi có sự đồng bộ từ: dự báo, quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng... Đồng thời cần có đầu mối điều phối chung. Trong khi đó, hiện nay, mỗi khâu đó lại do các chủ thể quản lý khác nhau chịu trách nhiệm và chưa có quy tắc đủ mạnh để điều phối các khâu này.

“Chúng tôi đã đề xuất thực hiện phương thức cho sinh viên sư phạm vay ưu đãi để chi phí cho quá trình đào tạo. Khi tốt nghiệp, sinh viên công tác tại cơ sở nào thì cơ sở đó (với tư cách người sử dụng lao động) sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo cho sinh viên đó. Cách này vừa có tính chất hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Luật Giáo dục, đồng thời tạo sự linh hoạt về cơ hội làm việc cho sinh viên khi ra trường. Bên cạnh đó sẽ tạo sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục. Về phía sinh viên, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của bản thân”, ông Sơn nêu quan điểm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc giải quyết hết các vấn đề giáo viên, xã hội quan tâm thì một mình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không thể làm được và phải có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các địa phương. Vì vậy, với những tồn tại của ngành, Bộ GD&ĐT cần sớm có nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể.

Cũng theo bà Doan, cần có giải pháp dài hơi trong đào tạo đội ngũ giáo viên, có sự đầu tư cẩn thận cho ngành sư phạm vì đây là ngành quan trọng.

Đảm bảo giáo viên sống được bằng nghề

Từ thực trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, ông Lê Tuấn Tứ, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIV đề xuất, Bộ GD&ĐT, các địa phương cần tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc không thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục. Tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy; trong khi đó, việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% đã khiến tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao xây dựng Luật Nhà giáo. “Chúng tôi kỳ vọng, trong Luật Nhà giáo lần này có điều khoản quy định chính sách ưu đãi với nhà giáo để đảm bảo có thể sống được bằng nghề của mình”, ông Minh nói, đồng thời cho biết, một số địa phương sẽ tuyển dụng giáo viên nhưng phần nhiều chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng được. Bộ đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc địa phương.

Để đảm bảo tính thuyết phục, ông Tứ cho rằng, việc này cần thực hiện bài bản, khoa học và gắn với thực tiễn về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay. Mỗi địa phương cần xác định đâu là khâu quan trọng, thiết yếu để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; tránh đầu tư dàn trải. Trước mắt, triển khai đúng, đủ, nghiêm túc, công bằng việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giúp các thầy, cô yên tâm công tác.

MỚI - NÓNG