Bất cập từ chính sách
Năm 1998, lần đầu tiên Luật Giáo dục được thông qua, cũng là lần đầu có quy định sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những nhà giáo tương lai sẽ đi về đâu? Ảnh: Như Ý |
Nhưng khi triển khai, chính sách đã bộc lộ nhiều bất cập. Đầu tiên là các trường sư phạm đào tạo ồ ạt khiến tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nhiều. Chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo sư phạm lao dốc khiến Bộ GD&ĐT phải quy định điểm sàn xét tuyển đối với ngành sư phạm. Việc kiểm soát sinh viên hưởng chính sách gắn bó với nghề sau khi tốt nghiệp cũng không đạt yêu cầu. Luật Giáo dục 2019 đã chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của chính sách kéo dài 20 năm này.
“Một bất cập nữa khi thực hiện Nghị định 116 là một tỉnh đặt hàng, một tỉnh sử dụng nhân lực. Vậy khi đó, vấn đề kinh phí đã được tỉnh đặt hàng cấp cho sinh viên trong thời gian học sẽ được giải quyết như thế nào vì sinh viên vẫn công tác trong ngành giáo dục. Chính những điểm mờ của Nghị định hiện nay khiến địa phương lúng túng đặt hàng đào tạo giáo viên”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga
Năm 2020, Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm được triển khai, thay thế quy định trước đây. Nghị định này đã có nhiều đổi mới điều chỉnh những hạn chế của chính sách trước đó.
Mới đầu, chính sách có hiệu ứng tích cực ngay. Năm 2021, số thí sinh trúng tuyển nhập học sư phạm đạt 85,2%, cao hơn nhiều năm trước đó. Điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm năm 2021 cũng tăng, có những ngành tăng từ 6-10 điểm so với trước. Nhưng đến năm 2022, dù điểm chuẩn vẫn cao nhưng số lượng thí sinh nhập học đã giảm đáng kể.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói rằng, Nghị định 116 có hiệu lực gần 3 năm nhưng đến nay rất ít địa phương trên cả nước triển khai theo nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm. Có nhiều nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng khi tốt nghiệp muốn được phục vụ trong ngành giáo dục, vẫn phải vượt qua kỳ thi tuyển viên chức. Nghị định 116 quy định, nếu sinh viên sư phạm sau khi ra trường không công tác trong ngành giáo dục sẽ phải trả lại số tiền được hỗ trợ theo chính sách quy định. Nghị định chưa tính đến trường hợp, nếu sinh viên không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức, nghĩa là không phải do ý muốn chủ quan từ người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không. Nhưng nếu không phải bồi hoàn sẽ dẫn đến trường hợp lợi dụng kẽ hở, cố tình thi trượt để né bồi hoàn. Mặt khác, nhiều địa phương thiếu giáo viên, mong muốn được đặt hàng đào tạo sư phạm nhưng chưa bố trí được kinh phí hoặc nhiều địa phương đang không có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên. Theo bà Nga, chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương chưa được cải thiện.
Giáo viên chơi vơi
Về nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT nhận định là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển; thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp...
Trong báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã nhắc đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Nguyên nhân do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao, do nhu cầu cá nhân... nên có 1.030 giáo viên của Hà Nội đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác. Cụ thể, năm 2021 có 472 giáo viên nghỉ; năm 2022 có 558 giáo viên nghỉ.
Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương có 127 giáo viên xin nghỉ công tác giảng dạy. Năm 2022, tỉnh có 81 giáo viên nghỉ việc. Đa số giáo viên nghỉ việc tại Thừa Thiên Huế đều thuộc bậc học mầm non và tiểu học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, chính vì áp lực của đổi mới và thu nhập không tăng, một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại thiếu nguồn tuyển; ở khu vực thuận lợi dù được giao chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.