Vì sao khách chán "thiên đường" du lịch?
Du lịch Phú Quốc liên tục gặp phải tình trạng đìu hiu. Dịp lễ 2/9, Phú Quốc chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ. Công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%. Theo thống kê của địa phương, du khách đến Phú Quốc bằng đường hàng không chiếm khoảng 60%, đường tàu khoảng 40%. Tuy nhiên các chuyến bay, chuyến tàu đang vắng khách.
Nhiều du khách phản hồi Phú Quốc đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Cảnh quan thiên nhiên dần biến mất. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, du khách không quá mặn mà quay lại.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách đến Phú Quốc (Kiên Giang), nhất là khách nội địa có xu hướng giảm. |
Chiều 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì cuộc làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, các hãng hàng không về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian tới. Lãnh đạo địa phương cho biết hiện du khách tới Phú Quốc sụt giảm 40-50%.
Ông Nguyễn Hoàng Diệu - chủ nhà hàng và resort Gió Biển tại Phú Quốc - lý giải sự sụt giảm về du lịch ở Phú Quốc nằm trong bối cảnh chung của suy thoái kinh tế. Nhiều khách du lịch ngại chi trả một khoản tiền để du lịch bằng máy bay hoặc tàu thủy ra đảo.
"Chi phí để du lịch Phú Quốc hoàn toàn không dành cho đại đa số người dân. Thực tế, Phú Quốc đã hạ nhiệt, những ai có điều kiện du lịch Phú Quốc đều đi từ các năm trước", anh Diệu nói.
Một số nhà hàng duy trì được lượng khách sau đợt khủng hoảng. Ảnh: Hoàng Diệu. |
Chủ nhà hàng này cho rằng, các dịch vụ du lịch ở Phú Quốc chưa hoàn thiện, chưa chỉn chu, giá cả còn đắt đỏ. Tuy nhiên sau nhiều đợt khủng hoảng, chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể, thời gian gần đây
nhà hàng đón nhiều đoàn khách nước ngoài hơn.
Ông Đoàn Ngọc Tùng - Giám đốc CTCP Du lịch Quốc tế MTV Việt Nam - cho rằng, sau dịch COVID-19, bộ máy nhân sự chưa hoàn chỉnh, chưa phục hồi hoàn toàn lại đón lượng khách quá lớn khiến dịch vụ du lịch ở đây không ổn định. "Du khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ ở Phú Quốc như lưu trú, di chuyển nội vùng thành phố”, ông Đoàn Ngọc Tùng nêu.
Bên cạnh đó với một năm bùng nổ lượng khách như năm 2022, du khách nội địa sẽ ưu tiên những địa điểm khác ngoài Phú Quốc. Việc điều chỉnh giá vé máy bay muộn, sát thời điểm trước các dịp lễ cũng khiến du khách trở tay không kịp, dẫn tới sụt giảm lớn.
Ông Tùng khẳng định để lấy lại vị thế vốn có của Phú Quốc, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần chấn chỉnh ngay chất lượng dịch vụ, hoàn chỉnh bộ máy nhân sự tại các địa điểm vui chơi, lưu trú tại Phú Quốc.
Cần thêm các hoạt động du lịch đa dạng để chiều lòng du khách. Ảnh: Klook. |
Không riêng Phú Quốc, dịp 2/9 vừa qua khách tới thành phố du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng không đông như kỳ vọng. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Đà Lạt Lê Anh Kiệt cho biết, khách sạn, cơ sở lưu trú ở Đà Lạt trong dịp lễ này chỉ đạt công suất khoảng 55% số phòng.
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ cũng cho thấy, trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, lượng khách tới địa phương giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Nhân hội nghị đánh giá hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng 9 tháng đầu năm nay, các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch chỉ ra loạt khó khăn. Đà Nẵng vẫn là điểm sáng phục hồi tuy nhiên lượng khách không được như kỳ vọng.
Sở Du lịch Đà Nẵng thống kê, năm 2019, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 8,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Dự báo hết năm nay có khoảng 7 triệu khách đến Đà Nẵng lưu trú, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt. Thành phố đáng sống đang phải cạnh tranh với địa điểm lân cận là Nha Trang. Chi phí đắt đỏ hơn cũng lý do Đà Nẵng dần mất khách.
Thay đổi tư duy "mùa gặt"
Nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch như Phú Quốc phải chật vật tìm cách "hồi sinh" là minh chứng cho thấy du lịch Việt Nam đang kém sức hút và khó níu chân du khách quay lại nhiều lần.
Sau kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch của khách Việt thay đổi. Theo dữ liệu nghiên cứu về mức độ quan tâm trên tính năng Google tìm kiếm, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có nhu cầu du lịch nước ngoài cao nhất khu vực, chỉ đứng sau Thái Lan và Singapore. Đây cũng là nguyên nhân khiến du khách không quá mặn mà với các điểm du lịch nội địa.
Tỷ lệ phục hồi du lịch so với năm 2019 của Việt Nam thấp nhất trong top 5 điểm đến phổ biến hàng đầu Đông Nam Á. |
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần định vị thương hiệu du lịch quốc gia, tạo ấn tượng mang tính thương hiệu trong tâm trí khách hàng thông qua những đặc điểm nổi bật, độc đáo về du lịch của quốc gia. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia mà còn là cơ sở để xác định các sản phẩm cụ thể và triển khai những chính sách kích cầu, quảng bá phù hợp, thay vì các hoạt động dàn trải.
Chuyên gia du lịch Hoàng Nhân Chính nhận định, ngành du lịch trong suốt thời gian qua đã chấn chỉnh phần nào hiện tượng tăng giá phòng khách sạn, "chặt chém" dịch vụ ăn uống mỗi kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tồn tại ở một số nơi.
"Đây là tư duy mùa gặt, nếu không sớm thay đổi sẽ đẩy du lịch Việt Nam vào bước lùi, không giúp ngành du lịch phát triển bền vững. Do vậy, các cơ quan quản lý điểm đến lưu tâm hơn nữa để chấn chỉnh chất lượng dịch vụ, làm sao để khách du lịch hài lòng và quay trở lại", ông Chính chia sẻ.
Nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch thay đổi nhiều sau dịch COVID-19, tuy nhiên ngành du lịch hiện còn thiếu những nghiên cứu thị trường, không nắm bắt kịp những thay đổi, xu hướng mới của khách du lịch để đưa ra sản phẩm phù hợp.
"Chúng ta cần đưa đến cho du khách những món ăn khách mong muốn chứ không phải mời chào những món ăn có sẵn. Đặc điểm nổi bật của thị trường khách du lịch nội địa là tính mùa vụ, thường đi tập trung vào các dịp lễ Tết, đợt nghỉ kéo dài hoặc mùa hè. Do đó, ngành du lịch cần đưa thêm những sản phẩm để thu hút khách du lịch quanh năm", ông Hoàng Nhân Chính phân tích.