Khi khu du lịch bị thất sủng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chắc chắn không ai thích phải chen chúc, chịu chặt chém trong dịp nghỉ lễ nhưng biết sao được khi chỉ có dịp đó để cả nhà có thể cùng nhau đi chơi. Đâu phải ai cũng có tiền để du lịch nước ngoài hoặc có thời gian để mày mò tới những thắng cảnh còn hoang sơ.

Đó là lý do vì sao những khu du lịch quen thuộc như Sầm Sơn, Cửa Lò… tuy tính cạnh tranh về cảnh quan không cao nhưng tiện đường đi lại nên luôn đông đúc.

Phú Quốc sau giai đoạn phát triển nhảy vọt cũng bừng tỉnh trở thành điểm đến nóng nhất năm 2022, nhưng ngay năm sau đã thoái trào nhanh chóng. Nào là vé máy bay quá cao, giá cả tại chỗ cũng tăng, địa phương quá tập trung vào đầu tư các cơ sở nghỉ dưỡng xa xỉ khiến số đông du khách cảm thấy mình không có cửa, bèn chuyển hướng đi nơi khác.

Một điểm du lịch nên thân thiện với càng nhiều đối tượng du khách càng tốt. Không thể nào như ngôi sao showbiz - càng nhiều người ưa chuộng càng hét giá cao được. Ngày nay cảnh quan chỉ là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách. Quan trọng vẫn là cách tổ chức dịch vụ và tự ý thức được điểm mạnh của địa phương để gìn giữ phát huy.

Mạng xã hội đang truyền đi hai bức ảnh Bali (Indonesia) và Phú Quốc được đặt cạnh nhau. Một bên khu dân cư hài hòa chiếm tỷ lệ không đáng kể so với rừng núi, một bên san sát các khối nhà cao tầng (không khác mấy các khu tập thể thời bao cấp ở Hà Nội) lấn chiếm gần hết bờ biển. Có vẻ như các nhà quy hoạch xây dựng đang tìm mọi cách để đáp ứng nhu cầu lưu trú càng sát biển càng tốt của du khách. Họ không để ý rằng, du khách muốn tìm tới một nơi thực sự khác biệt với nơi họ đang sống, nơi cảnh quan thiên nhiên chiếm ưu thế chứ không phải bê tông.

Chuyên gia chỉ ra việc để các khách sạn, resort tư nhân hóa bãi biển, thu hẹp không gian bờ biển khiến du khách thất vọng là nguyên nhân quan trọng khiến du khách không quay lại hoặc không giới thiệu về Phú Quốc. Chưa kể môi trường đảo ngọc đang vào hồi báo động vì chưa có nhà máy xử lý rác và nước thải.

Việc Phú Quốc bị thất sủng càng đáng lưu tâm nếu lý do chính nằm ở việc buông lỏng quy hoạch. Báo chí phản ánh, hơn chục năm trước Phú Quốc đã nở rộ tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2017, dù pháp luật chưa cho phép song Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho tách thửa hơn 17.800 trường hợp trên đất nông nghiệp kéo theo tình trạng mua bán diễn biến phức tạp. Cuối năm 2022, báo chí khui ra hàng loạt công trình xâm phạm khu bảo tồn biển Phú Quốc rộng 40.000 ha, chính quyền mới vào cuộc.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản tự cho rằng mình khôn ngoan khi nhảy vào Phú Quốc. Nhưng chính sự nóng lên quá nhanh của bất động sản lại đẩy giá thuê nhà tăng cao dẫn đến giá dịch vụ tăng khiến du khách ngán ngẩm. Điều nguy hiểm là có những sai lầm không thể sửa chữa được. Có bứng đi cả khu đô thị cũng không thể đưa rừng, biển về tình trạng cũ. Và sai lầm này rất có thể sẽ còn lặp lại ở nhiều địa phương khác như Thái Bình - nơi đang tìm cách xóa sổ 90% rừng ngập mặn Tiền Hải đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới để biến thành khu đô thị, nghỉ dưỡng...

Cứ cho là không cần đếm xỉa gì tới hệ động thực vật hiếm hoi đang trú ngụ trong những bãi sú vẹt đấy, nhưng kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân và hơn thế nữa sự an nguy của họ khi triều cường, bão lũ không có rừng phòng hộ che chắn ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hạ Long cũng là điểm nóng du lịch với hàng loạt khu đô thị lấn biển gây sốt. Mặc dù có hàng ngàn núi đá vôi chắn bão nhưng Hạ Long cũng bắt đầu phải hứng chịu lũ lụt ở mức độ chưa từng xảy ra trước đây.

Sự sắp đặt không dựa trên lý trí của con người không thể nào lại được với sự cân bằng thiên nhiên đạt được sau hàng triệu năm. Và khi thiên tai đến, người dân địa phương sẽ phải gánh chịu đầu tiên. Còn du khách đã bỏ đi trước đó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h qua khu vực Miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có diễn biến giảm mưa gián đoạn. Mưa lớn xuất hiện chủ yếu về đêm, trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Dự báo khoảng từ 11/5 khu vực lại đón một đợt không khí lạnh yếu gây mưa diện rộng.
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
TPO - Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Các chuyên gia nhấn mạnh những bản khắc này được coi là "Địa dư chí lược" của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với hàng trăm họa tiết được chạm nổi tinh xảo.