Quay lại nơi đảo cát án ngữ phía trước bãi biển Cửa Đại (Hội An) này sau 5 năm, tôi nhận ra rằng qua thời gian, đảo cát có hình dáng con khủng long thời tiền sử này đã trở thành lá chắn bảo vệ, đem lại niềm tin tâm linh cho ngư dân nơi đây.
Trước đã có “sáng kiến” đặt tên đảo cát này là đảo Trình - là nơi trình diện với thiên nhiên trước khi rũ mình thanh sạch để ra Cù Lao Chàm; Như đền Trình ở nhiều nơi chốn chùa chiền tôn nghiêm khác.
Ngư dân Huỳnh Tấn Dũng trên đường ra đảo cát. Ảnh: Bách Viên |
Khủng long đã “béo” hơn
Buổi sáng, đầu tiết trời Xuân, sóng êm hẳn. Một chiếc thuyền thúng có gắn máy với công suất nhỏ, 3 người ngồi vẫn dư. Theo ông Huỳnh Tấn Dũng, đảo đã bồi ra biển, xa bờ hơn so với lúc trước.
Mất gần 30 phút trên biển, lượn từ điểm đuôi con “khủng long” - như cách gọi quen thuộc của người dân về hòn đảo mới nhô lên khỏi mặt biển từ vài năm trước này. Nắng sớm cũng tô thêm óng ánh cho đảo cát.
Giờ đây, nhiều người ra đảo cát nhỏ này du lịch, cắm trại trải nghiệm, đào còng. Ngoài những xô còng mà con nào cũng to như nắm tay trẻ lên 3, ngư dân lên đảo cát còn được những món hời đem về bờ. Ông Dũng nói, mỗi lần có ai siêng lên đảo lấy phế liệu đem về bán cũng được 2-3 trăm ngàn đồng. Trứng chim sếu đã hiếm dần, thời gian trước lúc nào cũng nhặt được gần một rổ, loại rổ mà người ta hay cân cá mỗi khi thuyền đánh bắt cá về bờ. Những chồi cây chuối, cây dừa dạt ra từ trong rừng dừa Cẩm Thanh đã sinh trưởng nhiều. Các bụi cỏ voi với sức sống mãnh liệt theo thời gian cũng mọc lan ra nhiều hơn.
Trải qua hơn 5 năm kể từ khi đảo cát hình thành, đến thời điểm này thuận theo tự nhiên hòn đảo nhỏ đã tự biến đổi mà với mắt thường cũng có thể thấy rõ. Con “khủng long” giờ đã “to béo” hơn vì nó nở rộng hơn về bề ngang lẫn chiều dài và tương lai có thể nhiều hơn nữa.
Đặt chân xuống đảo cát mới cảm giác được cát nơi đây mịn và chắc hơn so với bãi cát trên bờ đất liền. Băng qua bãi cát vàng gần 10m với những ổ còng đủ kích thước lớn nhỏ, chúng tôi bắt gặp một dãy rác lớn kéo dài, nằm ngay trung tâm cồn cát cùng những vết hằn mà sóng đẩy vào hệt như xương sống của chú “khủng long” năm nào. Điều này cho thấy cồn cát đã lớn dần lên, nhô cao mạnh mẽ. Trên cát là những chiếc lồng bát quái bắt cá, bóng đèn tròn lấp lánh khi nắng chiếu xuống, những chai nhựa còn nước bên trong, chai thủy tinh, xốp chìm nửa thân mình dưới làn cát vàng hay các vật dụng bằng thép chi chít bám hà… Dưới lớp cát nửa chìm nửa nổi, những thân gỗ nâu sẫm to gần bằng đứa bé lên 3, từ bao giờ đã thành nơi che nắng cho hang còng. Tất cả đều từ biển dạt vào, đem theo bao câu chuyện đến nơi đảo “vàng” này.
Ông Dũng chỉ tay hướng về trạm canh mà bộ đội biên phòng mới dựng lên hồi năm ngoái. Đây là nơi để theo dõi và đảm bảo an toàn cho những chiếc ca nô, thuyền, bè khi đi ra Cù Lao Chàm. Cũng bởi, năm 2022, vụ lật ca nô du lịch ở Cù Lao Chàm khiến 17 người tử vong nên việc dựng trạm theo dõi là điều cần thiết.
Những ngư dân khai thác hải sản quanh đảo cát. Ảnh: Bách Viên |
Đi hơn trăm bước trên đảo cát, phải dừng lại hơn chục lần giật mình, với những vật dụng đồ cúng đủ loại vật liệu từ gỗ ép thủ công đến thùng xốp cắt ra còn nguyên nhang đèn. Ông Dũng bảo, đó là của ngư dân nơi đây cúng cầu bình an, che chở cho những chuyến ra khơi. Đợt trước, khi đảo cát mới xuất hiện, việc hạn chế ra đây một phần vì lệnh của chính quyền, một phần cũng do sự linh thiêng của nơi đây. Có vài ngư dân lên cồn rồi về nhà, không bị cảm cũng bệnh tật không rõ lý do. Sau, ngư dân truyền tai nhau cúng bái “cô bác” trên cồn nên mọi thứ yên ổn như bây giờ, những chiếc thuyền đi xa cũng như được sự bảo hộ, nhiều cá và an toàn đến khi vào bờ.
Che chở ngư dân
Chúng tôi khảo sát một vòng từ bờ Tây cồn rồi vòng qua phía Đông. Sóng biển thật lạ, đứng trên cồn nhìn vào bờ, sóng êm như mặt hồ tĩnh lặng, trái ngược với mặt bên phía Đông, những cơn sóng lớn trắng xóa, dồn dập dội tới. Quả nhiên, đảo cát đang che chở cho ngư dân nơi đây nên mới thay đổi hình dạng dài ra nhanh đến vậy. Những lồng bè nuôi đủ thứ hải sản được ngư dân đặt trong bờ đã có thể yên tâm hơn mà sinh trưởng.
Ngư dân kéo lưới cá dưới ánh bình minh tại bờ biển Cửa Đại |
Sự phức tạp trong cách biến đổi của đảo cát thật chóng vánh. Có lẽ do thời tiết thất thường những năm qua nên đảo cũng biến đổi để thích nghi. Ngay khu vực giữa đảo, thời gian trước có một hồ nước trong vắt nhưng giờ đây nơi đó dòng nước biển chảy qua ngăn cách tạo thành 2 cồn cát nhỏ. Nhìn từ trên cao, dòng nước biển chảy qua giữa đảo cát giống một dòng hải lưu đầu cửa biển thu nhỏ, như là món quà mà mẹ thiên nhiên ban cho nơi đây.
Dòng nước ngăn cách ấy chỉ ngập một phần không quá sâu, thật giống con đường đi bộ ra đảo Nhất Tự Sơn (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), nước rút sẽ nhô ra đường cát cho mọi người thoải mái đi bộ băng biển từ đất liền ra đảo. Ở đảo cát này cũng thế nhưng là vào mùa Đông. Bên bờ phía Đông đảo cát, sóng đã bồi lên lớp cát mới nhưng cũng mang đi lớp cát cũ. Một đoạn bờ cát dài hơn 100m, cao gần 1m so với bờ cát mịn bên dưới, bị xói, lòi ra những bộ rễ cây muống biển đan xen nhau như tấm lưới ngăn nước biển đập vào.
Đảo cát khủng long nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Lĩnh |
Trong ký sự “Đi trên đảo cát đang cựa quậy…” của nhà báo Trần Tuấn đăng năm 2019 trên báo Tiền Phong, có đoạn: “Nhà báo, nhà thơ Võ Kim Ngân lại còn tỉ mẩn lật lên từng chiếc chai lấp ló trong lòng cát để xem bên trong đó có… bức thư từ biển khơi nào không! Cũng chị, có “sáng kiến” đặt tên đảo cát này là đảo Trình”. Sáng kiến đặt tên đảo cát là đảo Trình, có lẽ nên được sử dụng từ bây giờ. Đảo cát đã thay đổi hình dáng và trình diện ra những trách nhiệm của nó với đời sống, con người nơi đây.
Trên đoạn đường trở về bờ, có đôi chim sếu biển sải cánh bay dọc theo chúng tôi. Là mừng rỡ hay đang gửi lời chào đến với chúng tôi, tất nhiên không thể nói được gì nhiều nhưng điều đấy cho thấy đảo cát vẫn đang tiếp tục kỳ sinh nở kỳ diệu của mình.