Đánh thuế tài sản kê khai thiếu trung thực: Không phù hợp luật

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Căn cứ nào đánh thuế 45%?
Thẩm phán Trương Việt Toàn: Căn cứ nào đánh thuế 45%?
TP - Trước đề xuất thu 45% thuế với những tài sản, thu nhập “không trung thực”, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc này mâu thuẫn với những đạo luật liên quan và có thể xâm phạm quyền sở hữu được ghi trong Hiến pháp.

Về phương án xử lý tài sản không trung thực, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đã bổ sung Điều 59, quy định, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

Đánh giá dự thảo trên, thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội cho rằng rất khó thu thuế với tài sản “không trung thực” vì  tài sản đó có thể bất hợp pháp hoặc chưa được xác lập quyền sở hữu theo Bộ luật Dân sự, cần xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thuế chỉ có thể thu thuế với thu nhập hợp pháp; không thể thu hoặc quyết toán thuế với những chứng từ không hợp pháp theo quy định của luật kế toán, thống kê…

“Chứng từ phải hợp pháp mới vào sổ kế toán được; thu nhập phải là hợp pháp mới được đánh thuế, quyết toán. Nếu nói phải đánh thuế tài sản kê khai thiếu hoặc không thể giải trình hợp lý thì tôi nghĩ là điều vô lý, không phù hợp với những đạo luật liên quan” - thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Ông Toàn phân tích thêm: “Không thể đánh thuế với tài sản bất minh, bất hợp pháp được. Nếu vụ án được phanh phui ra mà cơ quan thuế đã thu thuế trước đó, tức là đã hợp thức hóa tài sản của người nhận hối lộ hoặc tham ô. Đã thu thuế của họ rồi thì không thể chồng luật này lên luật kia để tòa tuyên tịch thu. Một hành vi chỉ phải chịu một chế tài, đó là nguyên tắc. Ông cho nộp thuế tức là chấp nhận hành vi đó là hợp pháp nhưng sau đó tòa án lại bảo không hợp pháp, phải tịch thu sung công quỹ là một hành vi áp dụng 2 chế tài, như vậy không đúng”.

Căn cứ nào đánh thuế 45%?

Về xử lý dân sự trường hợp bị cáo đã nộp thuế với số tiền do tham nhũng mà có, thẩm phán Toàn cho rằng cơ quan thuế sẽ phải hoàn trả cho bị hại nếu đó là vụ án tham ô. Trường hợp vụ án đưa – nhận hối lộ, vật chứng sẽ được sung công hoặc cơ quan thuế phải trả cho người đưa hối lộ nếu người này chủ động trình báo và bị vòi vĩnh, ép buộc vào tình thế phải đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, ông Toàn cho rằng dùng thuật ngữ “không hợp lý” khi giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập trong dự thảo là chưa chính xác. “Luật pháp phải chặt chẽ nhưng dễ hiểu, dễ thực hiện. Văn bản pháp luật phải dùng theo thuật ngữ pháp lý… Tại sao không dùng kê khai không hợp pháp vì không hợp lý tức là không hợp pháp và không ai bảo hộ cho việc không hợp pháp. Không hợp lý là văn nói, tòa không thể ghi trong bản án là không hợp lý” - ông Toàn nói.

“Căn cứ khoa học nào đưa ra con số 45% và tại sao không thu 50% hay 70%? Việc này có thể tiếp tay cho tham nhũng hay không khi đối tượng tham nhũng của Nhà nước rồi đóng thuế 45% là xong? Con số thu thuế phải có căn cứ pháp lý, khoa học của nó”, thẩm phán Toàn đặt câu hỏi.

Có thể gây hiệu ứng ngược

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Cty luật BASICO cũng khẳng định không có cơ sở pháp lý phù hợp cho cách đánh thuế như đề xuất trên. Nếu phục vụ cho mục tiêu chống tham nhũng, trong trường hợp có cơ sở xác định tài sản bất hợp pháp, có nguồn gốc do tham nhũng hoặc hoạt động tội phạm thì cần xử lý theo pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Trong trường này, tài sản không trung thực thậm chí có thể tịch thu.

Luật sư Hải tiếp lời: “Nếu đã không có kết quả xác minh, điều tra làm rõ ràng về dấu hiệu bất minh, bất hợp pháp của tài sản thì tài sản này cũng như tài sản thông thường của một công dân, không thể tiến hành thu bất cứ loại thuế gì bất thường so với trường hợp chung nếu không sẽ xâm phạm quyền sở hữu hiến định của công dân”.

“Ngoài ra, nếu đó là tài sản có nguồn gốc tham nhũng, việc đánh thuế theo đề xuất sẽ có thể hiểu 55% tài sản sau khoản thuế sẽ nghiễm nhiên được coi là hợp pháp hoá sở hữu cho người nắm giữ “bất minh”? Điều này thực tế sẽ gây hiệu ứng ngược cho mục tiêu phòng chống tham nhũng” - luật sư Trần Minh Hải đánh giá.

“Không thể đánh thuế với tài sản bất minh, bất hợp pháp được. Nếu vụ án được phanh phui ra mà cơ quan thuế đã thu thuế trước đó, tức là đã hợp thức hóa tài sản của người nhận hối lộ hoặc tham ô. Đã thu thuế của họ rồi thì không thể chồng luật này lên luật kia để tòa tuyên tịch thu. Một hành vi chỉ phải chịu một chế tài, đó là nguyên tắc”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn

MỚI - NÓNG