Đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân, mỗi nơi một kiểu

Vòng đeo tay nhận dạng bệnh nhân tại FV - bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI.
Vòng đeo tay nhận dạng bệnh nhân tại FV - bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI.
TP - Sự xuất hiện ngày càng nhiều ca phẫu thuật nhầm từ bệnh viện tuyến huyện đến trung ương thời gian gần đây khiến không ít người đặt câu hỏi liệu có hay không về quy định đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân?

Sau ca “tai nạn” mổ nhầm từ bệnh nang hoạt dịch chân trái thành mổ chân phải xảy ra vào tháng 6/2016 tại BV Đa khoa Vĩnh Long khiến một bé trai 6 tuổi suýt mất chân thì mới đây một bệnh nhân khác là Trần Văn Thảo, 37 tuổi ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội phải cắt cụt chân từ tắc trách của bác sĩ BV Việt Đức.

Câu chuyện chưa dừng lại khi ngày 23/6 chị Nguyễn Thị Oanh ở Thanh Hóa sinh mổ, xuất huyết nhiều nên được chỉ định cắt bỏ tử cung, song bác sĩ đã cắt đi niệu quản của sản phụ. Dù ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc BV Đa khoa huyện Nông Cống, Thanh Hóa, xác nhận sự việc này và cho rằng đó là trường hợp hy hữu và đã xử lý kíp mổ nhưng người bệnh vẫn chưa thể yên tâm. Nhũng vụ việc vừa qua không phải là lần đầu tiên xảy ra nhưng trong bối cảnh ngành y tăng cường cải thiện chất lượng y tế thì đây là điều đáng tiếc. Lỗi từ đâu?

Đánh dấu vị trí phẫu thuật tùy thuộc vào quy định của từng đơn vị y tế

Ngày 2/8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các BV nghiêm túc rà soát lại quy trình, bảo đảm an toàn cho người bệnh, đặc biệt là trong phẫu thuật. Chúng tôi đã đi tìm hiểu về quy trình đảm bảo an toàn trong phẫu thuật tại một số bệnh viện và điều bất ngờ là ở không ít nơi, khâu vô cùng quan trọng trong phẫu thuật là “đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân” lại mỗi nơi một kiểu, tùy cảm nhận, sự sắp xếp hay ý của bác sĩ hay ê-kíp mổ. Hiện quy trình an toàn người bệnh ở một số BV chưa được coi trọng. Có BV quy định rất chặt chẽ nhưng nhân viên y tế lại thực hành lơ đãng, sơ suất hoặc “quen tay”, tự bỏ qua một số bước dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tại Bệnh viện Việt Đức, việc đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân, đảm bảo an toàn phẫu thuật dựa trên bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật với quy tắc “5 tra 3 đối”. Bệnh nhân sẽ được thực hiện đánh dấu trước gây mê, trước khi rạch da và trước khi rời phòng mổ. Trong đó, trước gây mê, thành viên kíp mổ phải kiểm tra lần cuối về tên bệnh nhân, vị trí mổ, phương pháp mổ, giấy đồng ý phẫu thuật của gia đình bệnh nhân, đánh dấu vết mổ…

Trong khi ở Bệnh viện Bình An, tỉnh Kiên Giang, quy trình đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân được quy định bằng việc dùng bút mực vạch một vạch ở vị trí phẫu thuật hay chữ YES vì bệnh viện cho rằng chữ “X” có ý nghĩa mập mờ, “X” có thể hiểu là phẫu thuật ở đây hay không phẫu thuật ở đây. Nếu vị trí phẫu thuật liên quan đến X-quang, kiểm tra xem phim có trong phòng mổ hay chưa. Kiểm tra xem tên của bệnh nhân có giống với tên trên phim và có giống với tên trên bìa kẹp hồ sơ hay không. 

Vậy thế nào là một quy trình đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân an toàn tuyệt đối?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Juan Lucas Rosas , Giám đốc Quản lý Chất lượng của Bệnh viện FV, TPHCM cho biết: “Theo quy định của JCI, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về giám định chất lượng y tế quốc tế, thì việc đảm bảo phẫu thuật đúng vị trí, đúng bệnh nhân, đúng thủ thuật được xem là một tiêu chuẩn vô cùng quan trọng trong vấn đề đảm bảo an toàn bệnh nhân”. Bệnh viện FV đã đạt chứng nhận JCI và tại đây, tất cả bác sĩ và nhân viên y tế khẳng định rằng chúng tôi “không nhầm lẫn trong phẫu thuật”. Lý do theo ông, trong quá trình hoàn thành chất lượng bệnh viện và đạt chứng nhận JCI phải tuân thủ, đảm bảo tất cả các bệnh nhân cần được phẫu thuật, thực hiện các thủ thuật tại phòng mổ, phòng nội soi hoặc tại giường bệnh đều phải được thực hiện quy trình an toàn phẫu thuật, gồm: việc xác minh thông tin trước mổ, đánh dấu chính xác vị trí mổ, và xác nhận “Phiếu kiểm tra an toàn phẫu thuật của Bệnh viện FV” trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc thủ thuật phẫu thuật. Việc hoàn tất những bước này đều phải được ghi rõ ràng trong hồ sơ bệnh án. Ở FV, việc đánh dấu vị trí phẫu thuật trên bệnh nhân được thực hiện hai lần trước khi vào phòng mổ và trong phòng mổ.

Trước khi vào phòng mổ nhân viên y tế sẽ kiểm tra thông tin bệnh nhân và đánh dấu vị trí phẫu thuật. Tại phòng mổ, trước khi bắt đầu gây mê, trước khi rạch da và sau khi hoàn tất thủ thuật, phiếu kiểm tra an toàn phẫu thuật phải được đọc to để cả ê-kíp cùng xác nhận. Đây là thủ tục cần thiết để đảm bảo một cách hệ thống và hiệu quả rằng tất cả các điều kiện đều được tối ưu hóa vì an toàn của bệnh nhân, tất cả tất cả nhân viên đều ý thức được và có trách nhiệm, tránh được hoàn toàn các sai sót về nhận dạng bệnh nhân, vị trí phẫu thuật và loại thủ thuật phẫu thuật, tất cả các tài liệu, thông tin liên quan và thiết bị cần thiết đã được chuẩn bị sẵn sàng..

Bác sĩ Juan Rosas giải thích: “Những quy định này được thực hiện rất nghiêm ngặt và trở thành bước không thể thiếu của bác sĩ và các điều dưỡng FV. Nó cũng giúp cho bác sĩ yên tâm hơn vì luôn có một đội ngũ và những quy trình chặt chẽ hỗ trợ vì không bác sĩ nào muốn nhầm lẫn”. Ông cho biết thêm: “Các tiêu chuẩn JCI rất khắt khe về an toàn cho bệnh nhân và yêu cầu an toàn cho bệnh nhân ở mức cao nhất.”

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.