Dân Na Uy đổ xô mua sách về Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã dẫn đến làn sóng tẩy chay nhằm vào người Nga trên khắp phương Tây, trong mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá. Hãng tin Sputnik (Nga) gọi đây là một cuộc “săn phù thuỷ” thời hiện đại.

Đài truyền hình NRK của Na Uy đưa tin sách về Nga, về lịch sử Nga, cũng như sách của các tác giả Nga đã lọt vào danh sách những đầu sách bán chạy nhất ở quốc gia này, bất chấp nhiều lệnh trừng phạt quốc tế và lời kêu gọi tẩy chay.

Giám đốc Hiệp hội Các nhà kinh doanh sách Na Uy Anne Schiøtz nói với NRK: “Có rất nhiều người quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về tình hình, vì vậy doanh số bán sách báo về Nga và các tác giả Nga đã tăng lên".

Theo Schiøtz, người dân Na Uy dường như muốn hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn về những gì đang xảy ra, “ngoài những gì họ thấy trên các phương tiện truyền thông”.

Song song với đó, làn sóng tẩy chay các vận động viên, người nổi tiếng và văn hoá Nga vẫn đang được thúc đẩy bởi chính quyền nhiều nước phương Tây. Tại Na Uy, Nhà hát Opera - Ballet và Bảo tàng Munch đã quyết định không sử dụng các diễn viên Nga.

Nhà hát Kilden ở Kristiansand cũng hủy bỏ hợp tác với Nhà hát Ballet St.Petersburg, dù hai bên đang lên kế hoạch trình diễn vở “Hồ Thiên Nga”.

Chi nhánh Ukraine của Tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN) thậm chí còn đặc biệt kêu gọi tẩy chay các nhà văn Nga, nhưng đối tác Na Uy từ chối.

“Chúng tôi tin rằng nghệ thuật và văn hoá nên được phát triển tự do ngay cả trong thời chiến. Mọi người không thể tẩy chay các tác giả”, Kjersti Løken Stavrum, người đứng đầu chi nhánh PEN của Na Uy, nói với NRK.

Magne Lerø, biên tập viên của tạp chí Kulturplot, cho rằng làn sóng tẩy chay sẽ có tác dụng ngược. Ông kêu gọi đối thoại nhiều hơn thay vì tẩy chay, trước khi mọi chuyện bị đẩy đi quá xa.

“Cuối cùng, có thể xảy ra trường hợp người Nga không được phép vào quán cà phê, hoặc bạn không muốn mua đồ ăn từ một nhà hàng Nga. Chúng ta đừng cư xử như đã làm với người Đức sau Thế chiến thứ hai", Lerø cho biết.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga “nhằm phi quân sự hoá Ukraine” đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt từ phương Tây. Một loạt các lệnh trừng phạt đã được ban hành nhằm vào giới chức Nga, cũng như lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các công ty lớn.

Cả lĩnh vực văn hoá cũng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Nhạc trưởng người Nga Valery Gergiev đã bị sa thải khỏi Dàn nhạc giao hưởng Munich (Đức) vì từ chối lên tiếng phản đối chiến dịch của Nga. Đại học Milano-Bicocca ở Milan (Ý) đã hoãn một khóa học về tác phẩm của tác giả người Nga Fyodor Dostoevsky, nhưng sau đó đã rút lại quyết định.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.