Đại sứ Ba Lan tại Ukraine - Bartosz Cichocki. Ảnh: Tass |
Đã một tuần trôi qua kể từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, nhưng bên trong Đại sứ quán Ba Lan ở trung tâm thủ đô Kiev, không khí vẫn yên tĩnh đến lạ lùng.
“Trong một tuần qua, tôi phải làm việc 24/7”, Đại sứ Bartosz Cichocki nói.
Mặc trang phục quần vải giản dị cùng chiếc áo bóng đá của CLB Shakhtar Donetsk, ông Cichocki rót rượu whisky và mời khách hút thuốc lá trong phòng họp của đại sứ quán - một toà nhà được xây dựng theo phong cách Liên Xô.
Ông Cichocki là đại sứ thuộc Liên minh châu Âu (EU) duy nhất còn lưu lại Kiev, và cũng là một trong số ít những nhà ngoại giao phương Tây ở bất kỳ cấp bậc nào còn “cố thủ” ở thành phố này.
Được phóng viên hỏi về việc liệu ông có phải ngủ dưới lòng đất hay không, Đại sứ Cichocki nói: “Tại sao? Mọi người vẫn ngủ trên giường thì tại sao tôi lại phải ngủ dưới tầng hầm?”
Theo The Guardian, trong khi không ít cư dân Kiev đã di tản xuống ga tàu điện ngầm hoặc tầng hầm để trú ẩn, thì nhiều người khác đã chạy khỏi thủ đô bằng tàu hoả và xe hơi, hướng về khu vực phía Tây an toàn hơn hoặc qua biên giới để đến Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania, Moldova…
Riêng Ba Lan những ngày này đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người Ukraine, và cơ quan chức năng đang nỗ lực giúp người di cư ổn định cuộc sống tại nước này.
Đại sứ Cichocki cho biết dù không phải là người hoạch định chính sách, nhưng ông sẽ ngạc nhiên nếu Ba Lan từ chối tiếp nhận người Ukraine. “Tôi không nghĩ rằng có giới hạn. Tôi không thể tưởng tượng rằng Ba Lan lại đóng cửa”, ông nói.
Một số tờ báo đã chỉ ra sự khác biệt to lớn khi Ba Lan và các nước Trung Đông Âu đón chào người tị nạn từ Ukraine, nhưng lại hờ hững với người tị nạn đến từ Trung Đông. Cuối năm ngoái, cảnh sát Ba Lan đã dựng hàng rào ngăn hàng nghìn người tị nạn Trung Đông vào nước này từ ngả Belarus vì lo ngại xảy ra khủng hoảng di cư.
“Đây (dòng người Ukraine - PV) là tị nạn thực sự, còn sự kiện trước đó là nhân tạo”, ông Cichocki tuyên bố. “Đó là du lịch tị nạn.” Ở thời điểm đó, các nước phương Tây cáo buộc Belarus lôi kéo người tị nạn đến nước này và đẩy họ qua biên giới để tạo sức ép lên các nước láng giềng. Cáo buộc này bị Minsk bác bỏ.
Trước khi Nga khai màn chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần chỉ trích các nước phương Tây vì chuyển cơ quan đại diện ngoại giao đến Lviv.
Về phần mình, Đại sứ Cichocki cho biết quyết định ở lại của ông một phần là do nhiều công việc chỉ có thể thực hiện tại đại sứ quán. Còn lý do quan trọng nhất là ông coi đây như một hành động mang tính biểu tượng.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể bày tỏ sự ủng hộ về mặt tinh thần. Họ có cánh tay, họ có lương thực, họ có mọi thứ, nhưng tôi nghĩ rằng việc chúng ta rời bỏ họ ở thời điểm này sẽ khiến tinh thần của họ giảm sút”.
Nhóm nhân viên Đại sứ quán Mỹ đã rời Kiev đến Lviv trước khi có xung đột. Khi chiến dịch của Nga bắt đầu, họ di tản ra xa hơn và hiện đang làm việc từ phía bên kia biên giới ở Ba Lan.
“Họ không được tự do quyết định, đó là chỉ thị từ cấp trên nên tôi không phán xét”, ông Cichocki nói về những đồng nghiệp đã rời Kiev.
Khi được hỏi về kế hoạch của mình trong tương lai, đại sứ Cichocki thừa nhận ông có thể sẽ rời đi nếu được Bộ Ngoại giao Ba Lan yêu cầu. Nhưng việc ấy có thể sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Đại sứ nhấn mạnh rằng miễn là chính phủ Ukraine vẫn còn thì ông vẫn sẽ ở lại Kiev.