Lên A Lưới, nhắc đến tên của già làng Quỳnh Hoàng, 94 tuổi (ở xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hẳn ai cũng biết, già là người đã thổi hồn cho những nhạc cụ của đồng bào Tà Ôi. Không những thế, già Hoàng còn nổi tiếng bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn đưa ra một quyết định táo bạo: cưới vợ, trước sự ngạc nhiên của nhiều bà con dân tộc cùng chung sống trên dải Trường Sơn đại ngàn.
Tìm lại tình xưa bằng tiếng đàn
Dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Quỳnh Hoàng (93 tuổi) và bà Hồ Thị Tuyết (85 tuổi) vẫn quyết định tổ chức đám cưới. Hàng trăm người dân trong vùng đều ngạc nhiên trước câu chuyện ấy, ai nấy đều tò mò khi lần đầu tiên có một đám cưới mà cô dâu và chú rể lại ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Tìm về núi rừng vùng cao A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), men theo những con đường đi sâu vào trong bản, bỏ lại sự nhộn nhịp của phố núi, khung cảnh bình yên của bản làng hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Với hàng trăm người dân xã A Ngo (huyện A Lưới) không gì làm họ vui, say sưa nói về câu chuyện của hai nhân vật cao niên trong làng.
Bỡ ngỡ trước con đường vào bản, những người dân thôn A Diên (xã A Ngo, A Lưới) dẫn chúng tôi đến nhà cụ Quỳnh Hoàng và bà Hồ Thị Tuyết. Ngôi nhà sàn cũ nằm ngay giữa xóm nhỏ, nhắc đến nhà cụ Hoàng là người dân trong vùng từ già đến trẻ nhỏ đều biết, câu chuyện tình yêu của hai cụ thậm chí còn thu hút nhiều người dân ở nơi khác.
Tiếp xúc với nhóm PV chúng tôi, trước sự có mặt của nhiều người dân trong vùng, hai ông bà vẫn không thể nào giấu được sự ngượng ngùng của mình. Cụ Hoàng ngại ngùng nói: “Sao nhiều người cứ thích nghe chuyện của bố rứa, mấy anh chị hỏi làm bố với bà xấu hổ lắm”.
Thuở niên thiếu, ông Hoàng và bà Tuyết cũng như bao đôi trai gái khác, từng có những kỷ niệm đẹp. Cụ Hoàng là một thanh niên nổi bật trong làng với tài thổi khèn hay, tiếng khèn của cụ Hoàng thuở ấy đã làm cho bao cô gái phải say lòng. Mỗi khi đến hội, cụ Hoàng lại cất lên những khúc nhạc được phát ra từ những chiếc kèn của mình làm nên, bà Tuyết thuở ấy biết đến cụ là vì thế.
Quen nhau giữa chợ tình như những đôi trai gái khác, cụ Hoàng thổi kèn hay thì bà Tuyết lại có giọng hát làm say lòng người, cụ Hoàng vừa cười vừa nói: “Thời còn trẻ, bố đã biết bà, bà hát hay lắm. Có lần bố thổi khèn, bà ấy hát vậy là bố mê bà luôn”.
Câu chuyện tình yêu của đôi trai gái ấy bị chia cắt khi bom đạn dội xuống quê hương, cả hai đều xung phong ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc, chia cắt từ đó mà ra. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, bà Tuyết trở về quê hương, cụ Hoàng thì tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu. Mất liên lạc mấy chục năm nên cả hai nghĩ rằng một nửa của mình đã mất.
Bà Tuyết lập gia đình tại Lào, sinh được hai người con (một trai, một gái), còn cụ Hoàng thì đến năm 1957 sau bao nhiêu năm tìm kiếm nhưng không có thông tin gì nên cụ cũng lập gia đình và có được bốn người con (hai trai và hai gái). Cuộc sống nơi núi rừng khó khăn, nhưng may mắn chẳng chịu chạm đến hai người. Chồng bà Tuyết và vợ cụ Hoàng đều mất sớm, một thân một mình lam lũ nuôi dạy các con nên người.
Năm tháng qua đi, những đứa con đều thành đạt, có gia đình riêng, hai ông bà lại nghĩ về nhau, nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đã gặp nhau như thế nào. Rồi một ngày vào năm 2010, hai ông bà vô tình gặp nhau, cụ Hoàng háo hức kể lại: “Hôm đó về dưới thị trấn họp chợ, gặp lại bà nhưng không có ai nhận ra nhau hết. Bố ngồi thổi khèn, vừa dứt thì bà tới. Lúc đó bố giống như mấy đứa thanh niên bây chừ vậy đó, bối rối lắm”.
Nói đến cuộc hội ngộ, nhiều người dân trong vùng vẫn bảo “hai ông bà giống như một đôi vợ chồng son” ai nấy đều háo hức, vui cười khi nghĩ đến chuyện tìm thấy nhau sau mấy mươi năm xa cách. Chị Quỳnh Thị Hoa (32 tuổi, cháu của ông Hoàng) cho biết: “Từ ngày gặp lại bà Tuyết, ông vui vẻ hơn trước nhiều lắm. Nhìn hai ông bà lúc nào cũng quấn quýt nhau. Ông đi đâu là bà đi theo đó”. Cuộc hội ngộ của hai con người ở độ tuổi xưa nay hiếm không chỉ là niềm vui của người trong cuộc mà đó còn là niềm vui của những thế hệ sau.
Đám cưới hi hữu
Nói đến chuyện yêu thương của hai ông bà, ai ai trong bản cũng ngưỡng mộ câu chuyện ấy, sau nhiều ngày tháng gặp lại nhau, ôn lại quá khứ một thời. Một lần ngồi thổi kèn cho bà Tuyết nghe, bà Tuyết động lòng lại muốn về sống cùng với cụ Hoàng. Cụ Hoàng kể lại: “Hôm đó bố đang ngồi thổi khèn cho bà nghe thì bà bảo rằng “bà sẽ về nói với gia đình để bà sang ở với bố”. Lúc đó bố vui ơi là vui!”. Xa cách mấy mươi năm, giờ gặp lại, chính tiếng khèn năm xưa lại một lần nữa làm say tiếng lòng của người phụ nữ tóc bạc vì gió sương.
Già làng Quỳnh Hoàng đang thổi điệu khèn truyền thống của dân tộc Tà Ôi
Thời gian đầu khi bà Tuyết bảo với gia đình sẽ về sống cùng cụ Hoàng, nhiều người phản đối. Hết lòng thuyết phục, giãi bày cho chính cảm xúc của mình, một thời gian sau, bà Tuyết cũng thuyết phục được con cái. Bà Tuyết vừa cười vừa nói: “Lúc đầu nói sang đây ở, con cháu trong nhà ai cũng phản đối. Nghĩ cũng phải già rồi, ai làm cái chuyện nớ, có ai hơn 80 tuổi còn đi lấy chồng mô. Nhưng mà đã yêu là làm luôn, không sợ cái chi hết”. Sự quyết tâm của bà Tuyết đã khiến nhiều người nể phục. Ông Hồ Văn Luân (41 tuổi, ở A Ngo, A Lưới) cho biết: “Chuyện nớ là chuyện lạ, lâu nay chưa bao giờ nghe nói đến luôn. Gần 90 tuổi rồi mà còn làm đám cưới”.
Đầu năm 2013, đám cưới của hai ông bà diễn ra trong sự hân hoan của toàn dân bản, hàng trăm người đến dự đám cưới. Chị Hoa cũng cho biết: “Hôm đám cưới ông có nhiều người đến xem lắm, mấy người ở vùng bên cũng qua xem, đứng choán hết cả đường đi luôn”. Đám cưới của hai ông bà là chuyện xưa nay chưa từng diễn ra, vậy nên chuyện những người dân bản tò mò là điều không thể tránh khỏi.
Làm cô dâu ở tuổi 85, bà Tuyết không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình. “Khi về đây ở, hai ông bà cũng làm đám cưới, cũng mang trang phục truyền thống. Cũng làm rượu thịt mời mọi người, cúng lạy bàn thờ, làm đúng như phong tục mình vậy. Lúc đó cũng ngại nhưng lại cảm thấy vui và hạnh phúc lắm” – bà tâm sự.
Hai vợ chồng già làng Quỳnh Hoàng chơi những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Thời gian trước khi diễn ra lễ cưới cũng là thời gian khó khăn của bà Tuyết, một mình bà phải thực hiện những tục lệ để bước đi thêm lần nữa. Tuy khó khăn, nhưng bà luôn cố gắng vì “bà và cụ Hoàng quá thương nhau”. Đám cưới diễn ra trong sự hân hoan, song cũng có nhiều người ngại ngùng vì độ tuổi của hai người quá lớn, nhưng khi nhìn cảnh cô dâu, chú rể “đầu bạc răng long” vui vẻ hát ca ai nấy đều cảm thấy vui cho đôi tình già. Bà Tuyết vui vẻ tâm sự thêm: “Về đây là để vui tuổi già, xa cách bao nhiêu năm, nay gặp lại nhau, về ở với nhau chỉ để vui cái tuổi già thôi, chứ chẳng ham hố cái gì”.
Cuộc sống nơi núi rừng gắn kết hai con người lại với nhau, giờ đây người dân A Ngo vẫn không xa lạ gì hình ảnh hai ông bà ngôi bên rẫy thổi khèn và hát, cứ chiều chiều người ta lại nghe tiếng khèn vang về từ đỉnh núi. Tiếng khèn và giọng hát của hai ông bà như tiếp thêm ngọn lửa tình yêu trong chính họ.