Đại dịch bôi bác nơi công cộng

Hai thanh niên đeo khẩu trang đi ngang tượng ngư sư ở Singapore. Ảnh: AP.
Hai thanh niên đeo khẩu trang đi ngang tượng ngư sư ở Singapore. Ảnh: AP.
TPO - Làn sóng giận dữ cũng đến với Ng ở châu Âu. Ảnh cô xuất hiện trong các bài báo về ngành thời trang và sự lây lan của COVID-19 dù thực tế là dường như cô không lây nhiễm cho ai.

“Tất cả những người mà tôi tiếp xúc trong Tuần lễ Thời trang đều ổn. Nhiếp ảnh gia và chuyên gia hóa trang của tôi ở rất gần tôi và họ đều OK”, cô nói với tôi.

Các vụ tấn công online làm đau hai chị em Ng-Nh khi họ rơi vào thời điểm dễ bị tổn thương nhất. Nh tự lánh và tìm đến thiền. Ng nói với tôi: “Chiến đấu với virus trong khi tất cả những bài báo này đang tát vào mặt bạn khiến cho nó khó khăn hơn”.

Cô coi các vụ tấn công đó là ví dụ của sự ghen tị giai cấp: “Ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều đặc quyền – chúng tôi đi du lịch quá nhiều”. Cô cho rằng, việc chị em cô nhận được sự chú ý bất thường ở nơi khác là phân biệt chủng tộc. “Nếu đó là Paris Hilton thì mọi chuyện đã không om xòm đến vậy”, cô nói.

Ngày xưa, sự bôi bác nơi công cộng diễn ra ở các quảng trường. Thế kỷ 19, việc này diễn ra trên báo, thế kỷ 20 – trên truyền hình và ngày nay – trên mạng.

Với cơ hội ẩn danh, vắng bóng gác cổng và phóng đại nỗi đau nhất thời, Internet dễ dàng tạo ra cơn thịnh nộ đám đông ngay lập tức. Blog, nơi để tự chiêm nghiệm trước đây, đã nhường chỗ cho các bài đăng mạng xã hội có xu hướng ủng hộ tấn công bốc đồng theo kiểu đổ dồn.

Việc bôi bác, chỉ trích kỹ thuật số đem lại hậu quả nhanh chóng và áp đảo, thường là không công bằng. Năm 2015, một người đàn ông Australia ở một trung tâm mua sắm chụp ảnh selfie trước poster nhân vật Darth Vader trong phim Star Wars và gửi ảnh cho các con của mình.

Một phụ nữ đứng gần đó tưởng camera chĩa về phía các con của mình nên coi người đàn ông là kẻ rình rập. Bà mẹ này chụp ảnh người đàn ông và đăng trên Facebook với lời cảnh báo: “Hãy xem kẻ rình rập này!”. Bài đăng này được chia sẻ 20.000 lần.

Khi người dùng trên mạng gọi người đàn ông là kẻ ấu dâm, anh ta đến đồn cảnh sát địa phương để thanh minh nhưng đã quá muộn. Anh đã bị nhận dạng trên Internet. Anh nhận được những lời dọa giết. Sau khi sự nhầm lẫn của bà mẹ được tiết lộ, bà mẹ lâm vào tình cảnh tương tự - bị dọa giết.

Đầu năm nay, khi Singapore thực hiện phong tỏa, một phụ nữ địa phương bị máy quay ghi lại cảnh từ chối đeo khẩu trang khi mua đồ ăn. Clip được chia sẻ chóng mặt và những người bình luận trên mạng nhầm phụ nữ này với cô Tuhina Singh, giám đốc điều hành của một công ty công nghệ.

Đám đông online sục sạo thông tin cá nhân của Singh, đăng địa chỉ email và số điện thoại của cô lên mạng. Cô bị tấn công liên tục cho đến khi giới chức Singapore công bố người phụ nữ trong clip là Paramjeet Kaur. Lúc đó, người dùng mạng xã hội lại quay ra vồ Kaur, gọi cô là “Covidiot” (chơi chữ tiếng Anh, tạm hiểu là “Cô vi ngu ngốc”).

Tuy nhiên, cũng có những người bảo vệ việc bôi bác nơi công cộng. Khi người phạm lỗi, phạm pháp có quyền lực xã hội thì việc bêu họ trên các diễn đàn như Twitter có thể được xem là sự phản kháng tập thể, chứ không phải là bắt nạt. Ví dụ, phong trào “MeToo” đã phơi lộ nhiều người nổi tiếng, chính khách và giám đốc từng có hành vi không phù hợp.

Một logic tương tự đã dẫn tới việc quay phim các hành vi bạo lực của cảnh sát – khởi phát của phong trào “Black Lives Matter”. Giáo sư Jennifer Jacquet tại Đại học New York cho rằng, bôi bác kỹ thuật số có thể thành công khi các hình thức hành động chính trị khác thất bại. Một video về sự tàn phá môi trường được chia sẻ rộng rãi có thể trở thành một vụ bê bối toàn cầu buộc một doanh nghiệp áp dụng các chính sách “xanh” hơn.

Trong cuốn sách “Is Shame Necessary? New Uses for an Old Tool” xuất bản năm 2015, tác giả Jacquet viết rằng, nghĩ đến khả năng bị chỉ trích nơi công cộng thường cũng đủ để người ta cố gắng cư xử đúng mực. “Ở mức hiệu quả nhất, cảm giác xấu hổ có thể điều chỉnh hành vi cá nhân và giảm nguy cơ phải chịu các hình phạt cực đoan hơn”, bà viết.

Gần đây, bà nói với MSNBC rằng, đại dịch COVID-19 đang mở ra “nhiều cơ hội cho bôi bác, chỉ trích”. Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng, mọi người nên lên án “một hành vi sâu rộng” như tụ tập đông người trong nhà, thay vì quấy rối “một cá nhân cụ thể”. 

MỚI - NÓNG