'Đại công trường' để miền Tây 'bứt tốc'

TP - Có thể nói, chưa bao giờ hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long được tập trung đầu tư như hiện nay, cả miền Tây như một đại công trường với loạt dự án đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, cầu… đang được triển khai để tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, đưa vùng đất Chín Rồng cất cánh.

'Đại công trường' để miền Tây 'bứt tốc' ảnh 1

Công nhân trên công trường cao tốc miền Tây

Cao tốc dọc – ngang kết nối đồng bằng

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn cuối cùng là dự án Cần Thơ - Cà Mau đang được gấp rút thi công để bù lại những tháng ngày chậm tiến độ trước đó do nằm chờ cát san lấp. Không khí trở nên tấp nập trên công trường gói thầu XL02 ở đoạn cuối dự án (huyện Thới Bình, Cà Mau) những ngày đầu tháng 7 khi những sà lan chở cát đang xếp hàng đợi bơm cát lên công trình.

Hút vội điếu thuốc sau khi bơm xong sà lan cát, ông Phạm Văn Tý (đội bơm cát) cho biết, do bến sà lan thường cách xa các điểm cao tốc, có đoạn lên đến vài cây số nên để cát đến được công trình thường phải qua công đoạn bơm chuyền, cần hàng chục người tham gia. “Cát về nhiều thì anh em chia ca ra làm, vất vả nhưng vui vì công trình được đẩy nhanh hơn, mong cho xong sớm để giao thông thuận tiện” - ông Tý chia sẻ.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 110km, đi qua 5 tỉnh/thành gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, khi hoàn thành sẽ nối liền toàn tuyến cao tốc từ TPHCM đến Cà Mau, là trục giao thông xương sống, song song với QL1A chạy dọc ĐBSCL. Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, Bộ GTVT cho biết, toàn tuyến có 11 nút giao, 117 cầu. Các nhà thầu triển khai đồng loạt trên toàn tuyến với 237 mũi thi công, 870 đầu thiết bị và 2.800 cán bộ, kỹ sư, phấn đấu hết năm 2024 hoàn thành toàn bộ các cầu.

Đối với phần đường, nguồn vật liệu cát san lấp được đã đưa về công trường hàng triệu m3, các nhà thầu đang tập trung thi công “3 ca 4 kíp” để đến 31/10/2024 hoàn thành gia tải toàn bộ tuyến chính, phấn đấu hoàn thành dự án vào 31/12/2025. “Khó khăn của dự án là nền đất yếu, thời gian chờ lún phải từ 10-12 tháng, hiện nay đã có nguồn cát nên cần cấp tập triển khai thi công để đáp ứng tiến độ” - ông Thi cho hay.

'Đại công trường' để miền Tây 'bứt tốc' ảnh 2

Cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau dài 110km

Còn trên công trường dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Cà Mau, anh Trịnh Đức Chung đến từ Nam Định (cán bộ kỹ thuật, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) nhận nhiệm vụ tại dự án thành phần 3 (đoạn qua Hậu Giang) đã hơn một năm nay. Những ngày đầu ở vùng đất mới, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng anh Chung cũng như anh em trong đội thấy vui và tự hào khi ý thức được công việc của mình là góp sức cho công trình trọng điểm quốc gia.

“Ban đầu cũng có một chút lo lắng vì lần đầu đi làm xa nhà như vậy, ăn uống cũng chưa quen, sau đó được sự động viên từ gia đình, đồng nghiệp nên mọi thứ ổn định và quen dần. Anh em cán bộ, công nhân chúng tôi quyết tâm cùng toàn công trường đưa dự án về đích đúng tiến độ đã được giao” - anh Chung chia sẻ.

'Đại công trường' để miền Tây 'bứt tốc' ảnh 3
Cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang - Bến Tre đang dần thành hình

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km, đi qua 4 địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, được chia thành 4 dự án thành phần do 4 địa phương làm chủ đầu tư. Tại Hậu Giang (dự án thành phần 3, dài gần 37km), Sở GTVT cho biết hiện nay các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức gần 40 mũi thi công với hơn 100 tổ đội sản xuất.

Đại diện nhà thầu, Thượng tá Trần Quang Hoạt - Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 10, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đơn vị bố trí trên toàn công trường 18 mũi thi công. Mặc dù vào mùa mưa nhưng vẫn duy trì thường xuyên 3 ca trên công trường. Từ khi có cát về, tranh thủ tối đa công suất cho phép và tăng ca đều đặn để bù lại thời gian trước đây. Vì vậy, tiến độ tổng thể dự án vẫn đảm bảo.

Đồng hành chia sẻ, đưa dự án về đích trước hẹn

Nhằm động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường, Hậu Giang là tỉnh tiên phong trong khu vực tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, nấu ăn cùng đơn vị thi công cao tốc và người dân nơi dự án đi qua. “Chương trình rất ý nghĩa, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các đơn vị thi công với chính quyền và nhân dân địa phương. Anh em luôn ý thức trách nhiệm của mình, lao động hăng say để không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo các cấp và người dân đang ngày đêm trông mong dự án sớm hoàn thành” - kỹ sư Dương Đức Hoàng tâm sự.

Giao lưu, dùng cơm thân mật cùng công nhân và người dân, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL và dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Riêng Hậu Giang có 2 tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang đi qua với tổng chiều dài khoảng 100km.

Các dự án có ý nghĩa rất lớn, giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực. Mở ra không gian phát triển mới, nhất là tạo động lực phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, kết nối các địa điểm từ cơ sở sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu, rất đúng với tinh thần “vừa là món ăn vật chất vừa là món ăn tinh thần” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không để nhà thầu, kỹ sư, công nhân cô đơn trên các công trường”, người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị tiếp tục phối hợp, đồng hành chặt chẽ hơn giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân với các kỹ sư, công nhân, quyết tâm đưa dự án về đích sớm, về đích trước hạn.

Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia. Theo tiến độ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027. Hai dự án Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.

Vượt nắng thắng mưa

Tại chuyến kiểm tra công trường dự án cao tốc tại Hậu Giang, Cần Thơ và chủ trì cuộc họp liên quan giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, dự án cao tốc khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai đồng bộ xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cảng biển, sân bay để hoàn thiện hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường. Trong đó, đã thống nhất về chủ trương giải quyết được khâu khó khăn nhất là bố trí đủ nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, phấn đấu hoàn thành khoảng 600km đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2026, làm tiền đề để tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc ở khu vực theo quy hoạch trong thời gian tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nhân lực, máy móc, cải tiến quy trình, làm việc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", vướng mắc ở khâu nào thì tháo gỡ ở khâu đó, khó khăn thì cùng nhau đoàn kết vượt qua; phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành các dự án so với kế hoạch đã đề ra.

Trên trục hành lang phía Đông vùng ĐBSCL, một công trình quan trọng đang thi công là cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang - Bến Tre), tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026, góp phần giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện nay, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến QL60. Đặc biệt, cùng với cầu Đại Ngãi (nối Trà Vinh – Sóc Trăng) đang được xây dựng, khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến QL60, rút ngắn khoảng cách 80km từ Cà Mau lên TPHCM so với QL1A.

Tham gia gói thầu xây dựng cầu chính dây văng cầu Rạch Miễu 2 là nhà thầu Trung Nam E&C (Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam). Cuối tháng 7 vừa qua, đơn vị đã tiến hành căng cáp dây văng đầu tiên tại trụ tháp P20. Tiến độ dự án cơ bản đáp ứng theo kế hoạch, riêng phần cầu chính đang vượt tiến độ. Các đơn vị triển khai thi công 3 ca, 4 kíp, quyết tâm hoàn thành dự án vào đúng dịp 2/9/2025, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT.

Ngoài dự án cầu Rạch Miễu 2, Trung Nam E&C đã và đang ghi dấu ấn tại nhiều dự án trọng điểm phía Nam như cầu Mỹ Thuận 2 (đã khai thác), cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau (đang thi công), cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai (đang thi công), cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đang thi công)… Trung Nam E&C đã và đang không ngừng mở rộng mạng lưới khách hàng, đối tác trên toàn quốc, đáp ứng mọi nhu cầu về các lĩnh vực thi công xây lắp, các công trình thực hiện luôn đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ…

Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ, tái định cư, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm cuộc sống sinh kế của người dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn hỗ trợ, đồng hành với các nhà thầu thi công về vật chất, tinh thần, không để các kỹ sư, công nhân, người lao động phải "cô đơn trên công trường cao tốc hiện đại"…

MỚI - NÓNG