Tối 26/1, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân Dân tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Vang mãi lời Người về đạo đức cách mạng". Tới dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Tuấn Quang; Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Thuận Hữu
Phát biểu tại chương trình “Vang mãi lời Người về đạo đức cách mạng”, Tổng biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu cho biết: Muốn giữ được đạo đức cách mạng, yếu tố quyết định hàng đầu là chống thắng được chủ nghĩa cá nhân, bởi theo lời Bác, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, mà xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh: quan liêu, bè phái, mệnh lệnh, chủ quan, tham ô, lãng phí… Muốn giữ được đạo đức cách mạng, cán bộ đảng viên phải luôn luôn giữ được mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, đoàn kết quần chúng thật chặt chẽ quanh đảng, tuyên truyền động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vang mãi lời Người về đạo đức Cách mạng” nhằm ôn lại những bài học quý báu trong việc nhận diện và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân cũng như trong công tác xây dựng Đảng nói chung. Đồng thời là dịp để chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn những chỉ dẫn của Người về đạo đức cách mạng, để tiếp tục tôi rèn, sống và làm việc xứng đáng hơn với sự tin cậy của nhân dân. (Trong ảnh, là cảnh trong vở kịch Chiến dịch)
Điểm nhấn của chương trình là ba vở kịch ngắn "Chiến dịch", "Phải cắt cành sâu" và "Bài báo cuối năm". Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh và dàn diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội thể hiện. (Trong ảnh, là cảnh trong vở kịch Chiến dịch)
Vở kịch ngắn "Chiến dịch" đã ôn lại bài học quý báu trong việc về đoàn kết dân tộc, về huy động sức mạnh trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt". (Trong ảnh, là cảnh trong vở kịch Chiến dịch)
Vở kịch "Phải cắt cành sâu" đã tái hiện lại nỗi lo lắng đau đáu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguy cơ cán bộ thoái hoá, tham ô, bộ máy chính quyền xa rời dân và đi trái với lợi ích nhân dân. (Trong ảnh, cánh trong vở kịch Phải cắt cành sâu)
Vở kịch đã nhắc lại vụ án tham nhũng của đại tá Cục quân nhu Trần Dụ Châu trong những năm kháng chiến và bài học về diệt trừ sâu mọt, tham nhũng. (Trong ảnh, cánh trong vở kịch Phải cắt cành sâu)
"Bài báo cuối năm" đã ôn lại những lời đanh thép của Người trong tác phẩm 60 năm trước vẫn vẹn nguyên tính cảnh báo trong thời đại ngày nay về "kẻ thù giấu mặt" chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân; gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và nhân dân, đe dọa đến uy tín, vai trò cầm quyền của Đảng. (Trong ảnh, cảnh trong vở kịch Bài báo cuối năm)
Thử thách đối với người Cộng sản không có khi không chỉ đến trong chiến tranh mà còn khó khăn, phức tạp hơn với “viên đạn bọc đường” trong thời bình để giữ vững được đạo đức cách mạng. (Trong ảnh, cảnh trong vở kịch Bài báo cuối năm)
Chương trình còn có những ca khúc đi cùng năm tháng về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca sĩ Tân Nhàn và Tốp múa biểu diễn ca khúc "Từ làng sen" của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm biểu diễn ca khúc "Người là niềm tin tất thắng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
60 năm trước, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, ở miền Bắc, nhân dân Việt Nam bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy những khó khăn, phức tạp của chặng đường trước mắt, một bộ phận cán bộ, Đảng viên bộc lộ tư tưởng tự mãn, ngại khó, ngại khổ, đòi hỏi được hưởng thụ, suy thoái đạo đức, tham ô, lãng phí, xa rời quần chúng. Những nguy cơ bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể gây phương hại cho sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức Cách mạng”, nhằm quán triệt việc chăm lo tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, Đảng viên. Cho đến nay, những bài học về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người vẫn vẹn nguyên tính thời sự, thể hiện nhãn quan thiên tài đối với công tác cán bộ, sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta