Theo đó, các đơn vị tư vấn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở sau quyết định phê duyệt các dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng, sau khi Bộ GTVT có văn bản gửi các địa phương, các địa phương có tuyến đường đi qua đã và đang triển khai giải phóng mặt bằng.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, rút ngắn thời gian đi lại, phát triển kinh tế địa phương.
Do đó, ông Thể đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện mới có 8/11 dự án thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng.
Ông Thể cũng yêu cầu lãnh đạo các Ban quản lý dự án phải trực tiếp làm việc với địa phương về kế hoạch thực hiện dự án cũng như phối hợp giải phóng mặt bằng; xác định các mỏ vật liệu, đường công vụ; bảo đảm an ninh trật tự...
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, dự kiến tháng 4-5/2019 sẽ khởi công gói thầu đoạn cao tốc thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước (3 dự án). Còn dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP, 8 dự án) trong năm 2019 phải lựa chọn được nhà đầu tư, thi công trong giai đoạn năm 2020-2021.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn năm 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ ưu tiên đầu tư 654km đường bộ cao tốc, gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai); và cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang - Vĩnh Long).
Những đoạn tuyến trên có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng. Trong đó, gồm 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn xã hội hóa.