Cao tốc Bắc - Nam: Đấu thầu nhiều lần, không đề xuất chỉ định thầu

Bộ GTVT quyết tâm minh bạch hóa dự án cao tốc Bắc - Nam thông qua đấu thầu dự án (trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Ảnh: Bảo An.
Bộ GTVT quyết tâm minh bạch hóa dự án cao tốc Bắc - Nam thông qua đấu thầu dự án (trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Ảnh: Bảo An.
TP - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định không xin cơ chế chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam. Đấu thầu lần 1 không thành công sẽ đấu thầu lần 2. Trước đó, chính Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho chỉ định thầu.

Giải phóng mặt bằng ngay sau tháng 7

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa cho biết, đã ấn định tháng 7/2018, toàn bộ 11 dự án của cao tốc Bắc - Nam sẽ được phê duyệt. Nội dung phê duyệt gồm: Thiết kế kỹ thuật (gồm các yếu tố thống nhất với địa phương như các đường nhánh, cầu vượt dân sinh, cống hộp, hệ thống thoát nước, thủy lợi…), chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Kế hoạch trùng tu, đại tu từng dự án được đưa vào ngay từ khâu lập dự án. Các quy trình, quy phạm, vật liệu mới… cũng sẽ đưa vào ngay từ khâu chuẩn bị. Đặc biệt, đánh giá tác động môi trường của dự án sẽ được thông qua trước khi phê duyệt dự án.

Sau khi dự án được phê duyệt, các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT phải làm việc với ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của địa phương và bắt đầu thực hiện GPMB ngay sau tháng 7.

“Nhiệm kỳ này, ngành GTVT có 3 dự án trọng điểm là cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành và dự án chống ngập TPHCM. Dự án chống ngập bị chậm, TPHCM đang muốn rút về, thực hiện bằng ngân sách địa phương. Sân bay Long Thành cũng chủ yếu thực hiện giải phóng mặt bằng, đến năm 2019 mới trình Quốc hội xin phê duyệt dự án. Vì thế, ngành chỉ tập trung chủ yếu vào dự án cao tốc Bắc - Nam”.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Hiện nay, Bộ GTVT đang trình 6 kiến nghị liên quan trách nhiệm của Chính phủ, 8 kiến nghị liên quan trách nhiệm của Thủ tướng. “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (mỗi người phụ trách mỗi mảng) ký trước, sau đó Thủ tướng mới ký” - ông Thể thông tin.

Về trách nhiệm nội bộ Bộ GTVT, ông Thể khẳng định: “Mỗi ban quản lý dự án được giao một dự án, giám đốc các ban phải chủ động, đến tháng 7, ban nào không thực hiện xong sẽ kỷ luật giám đốc ban đó”.

Về đấu thầu chọn nhà đầu tư, từ tháng 7 đến cuối năm 2018 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Trước đây, dự án sau khi được phê duyệt có thể phát hành hồ sơ mời thầu ngay. Nhưng với cao tốc Bắc- Nam, ông Thể khẳng định phải có thiết kế kỹ thuật, lên dự toán chi tiết mới tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu để đảm bảo minh bạch quá trình đấu thầu.

“Sau khi đấu thầu, chúng tôi quy định, hết 3 tháng, nhà đầu tư không lo được vốn sẽ huỷ kết quả đấu thầu, tránh tình trạng nhà đầu tư không lo được vốn, không vay được ngân hàng làm trễ công trình” - ông Thể nói. Người đứng đầu Bộ GTVT cho hay, toàn bộ các dự án đều được đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu bằng tiếng Anh nên ban quản lý dự án phải chọn lựa kỹ càng.

Về nghi ngại đấu thầu mang tính hình thức, ông Thể cho hay, theo quy định hiện nay, đấu thầu không thành công, Bộ GTVT có thể xin chỉ định thầu. Tuy nhiên, với cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã xin cơ chế đấu thầu lần 1 không thành công sẽ đấu thầu lần 2. “Phải đấu ít nhất 2 lần, nếu lần 2 không thành công, Bộ GTVT mới trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đấu tiếp hay chỉ định thầu. Bộ GTVT không đề xuất chỉ định thầu” - ông Thể nói.

Quan tâm nhưng thận trọng

Quyết tâm đấu thầu là một trong những tín hiệu đáng mừng khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Cách đây hơn 1 năm, trong tờ trình đầu tiên lên Chính phủ, Bộ GTVT đã xin cơ chế chỉ định thầu. Tiền Phong đã phản ánh và nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội lúc đó gay gắt phản đối đề xuất này, vì lo ngại tham nhũng, trục lợi.

Đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư  trong nước đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án cao tốc Bắc- Nam. Đại diện Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn (đơn vị đầu tư hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…) cho hay, cao tốc Bắc - Nam có sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước (trung bình 39% tổng mức đầu tư - PV) là điều kiện rất hấp dẫn. Đơn vị này sẽ nghiên cứu đấu thầu một số dự án phù hợp. Thậm chí, chủ đầu tư BOT Cai Lậy mới đây cũng “hé lộ” mong muốn tham gia vào cao tốc Bắc - Nam để lấy lại uy tín sau những gì diễn ra ở dự án BOT đầu tay.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng và đưa ra nhiều kiến nghị. Ông Trần Văn Thế, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cầu đường Sài Gòn cho hay lo ngại nhất là sự thay đổi chính sách, “hồi tố” sau khi ký hợp đồng. “Chúng tôi thường nhận được công văn đàm phán giảm giá phí nhưng chúng tôi không rõ đó là văn bản đàm phán hay văn bản quy phạm pháp luật. Nếu là văn bản đàm phán thì chúng tôi có quyền từ chối nhưng nếu là văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi buộc phải thực hiện” - ông Thế nói.

Ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cũng nói: Trước đây, khi có thông tin về dự án nào đó, các chủ đầu tư tiếp cận Ban Quản lý dự án rất sớm để tìm hiểu thông tin, nhưng lần này, các nhà đầu tư rất thận trọng.

Ông Dương Viết Roãn, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được phân công quản lý một dự án và đã tiến hành sớm cũng cho hay, chưa có nhà đầu tư nào tiếp cận tìm hiểu thông tin. Theo ông Roãn, với việc không thông qua các điều kiện như bảo lãnh tỷ giá ngoại tệ, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh của Chính phủ, khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài hạn chế.

MỚI - NÓNG