Làm cao tốc Bắc - Nam: Lo ngại tính minh bạch và rủi ro pháp lý

Việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam đi kèm giải quyết bài toán tại các trạm thu phí trên QL 1A (trong ảnh, một đoạn của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành). Ảnh: Sỹ Lực.
Việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam đi kèm giải quyết bài toán tại các trạm thu phí trên QL 1A (trong ảnh, một đoạn của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành). Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành, phương tiện lưu thông qua các dự án BOT trên QL 1A giảm, thời gian trả phí của người tham gia giao thông trên QL 1A kéo dài. Các nhà đầu tư và chuyên gia bày tỏ lo ngại, cao tốc Bắc - Nam sẽ bị đình hoãn nếu chủ đầu tư BOT trên QL 1A khiếu kiện.

Lo “bể” phương án tài chính, kéo dài thời gian thu phí

Ông Nguyễn Duy Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cenco5) - Chủ đầu tư dự án BOT mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam (Km 942 - Km 1027, viết tắt là BOT Tam Kỳ) bày tỏ lo ngại: Từ tháng 6 tới, khi cao tốc Đà Nẵng  - Quảng Ngãi đoạn Tam Kỳ đi Quảng Ngãi (song song với BOT Tam Kỳ) vào hoạt động, lượng phương tiện chuyển lên cao tốc này rất lớn, làm giảm lưu lượng xe qua trạm thu phí của dự án (trạm thu phí Tam Kỳ đặt tại huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Ông Bình cho hay, trong hợp đồng BOT giữa Cienco 5 ký với Bộ GTVT có quy định, khi doanh thu của dự án biến động 1%, hai bên sẽ phải tiến hành đàm phán để ký kết phụ lục hợp đồng. “Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại là khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông toàn tuyến, biến động lưu lượng đối với dự án quá lớn, làm vỡ phương án tài chính” - ông Bình nói.

Ông Bình cho hay, khi doanh thu giảm thông thường sẽ giải quyết theo hướng kéo dài thời gian thu phí. Tuy nhiên, nếu lượng xe phân lưu lên cao tốc lên đến 50-60% trở lên, kéo dài thu phí nhiều năm sẽ rất khó giải quyết,vì ngân hàng cho vay khó chấp nhận lợi nhuận của nhà đầu tư không đảm bảo. Thông thường, các dự án BOT hiện nay đều được phê duyệt có thời gian thu phí dưới 30 năm.

Một phương án khác có thể xử lý tình huống này là nhà nước cấp ngân sách cấp bù cho nhà đầu tư, rút ngắn thời gian. “Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi chưa thấy Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính đề cập nội dung này” - ông Bình nói.

Ngoài cao tốc Bắc - Nam, ông Bình cho hay, nhiều tuyến đường trước đó đã được quy hoạch xây dựng chạy song song với BOT QL 1A đang được một số địa phương và trung ương đầu tư xây dựng (như tỉnh lộ chạy song song, đường ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi). “Có những tuyến trước khi ký hợp đồng BOT chúng tôi chưa được biết đến. Đây là việc địa phương và trung ương không thống nhất trong quản lý quy hoạch, làm nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro” - ông Bình nói.

Một nhà đầu tư khác trên QL 1A tại khu vực miền Trung - nơi mà cao tốc Bắc - Nam sẽ sớm được triển khai bày tỏ lo ngại: “Vừa qua, dự án đã miễn giảm phí, kéo dài thời gian thu phí. Nếu có cao tốc Bắc - Nam thời gian thu phí sẽ kéo dài, vượt quá thời hạn cho vay của ngân hàng (15 năm), làm phương án tài chính của dự án đổ bể. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần đặt ra để có hướng giải quyết sớm vấn đề này” - ông này cho hay.

Cần công khai hợp đồng BOT QL 1A để nhà đầu tư yên tâm

Một nhà đầu tư quan tâm đến cao tốc Bắc - Nam cũng tỏ ra  lo ngại về việc chủ đầu tư BOT quốc lộ 1A kiện Bộ GTVT. “Chúng tôi rất lo lắng khi đã tham gia đầu tư cao tốc Bắc - Nam, các nhà đầu tư BOT trên Ql 1A lại đâm đơn kiện. Lúc đó, chưa biết đúng hay sai nhưng hoạt động khai thác cao tốc sẽ bị đình hoãn khiến cho nhà đầu tư thua lỗ” - nhà đầu tư này cho hay.

Vị này đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương cần đưa nội dung về rủi ro pháp lý có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư BOT ra thảo luận và lên phương án giải quyết trước khi mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư làm cao tốc Bắc - Nam. “Nhìn việc các bộ ngành, địa phương né trách nhiệm trong xử lý các bức xúc trạm thu phí vừa qua, chúng tôi rất lo ngại khi đầu tư cao tốc, gặp phải khiếu kiện của các nhà đầu tư BOT QL 1A mà không được giải quyết” - nhà đầu tư này nói.

Ông này cũng đề nghị, khi xây dựng cao tốc Bắc - Nam, việc xây dựng các tuyến đường mới, chạy song song cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ và chính quyền địa phương cũng hết sức cân nhắc để tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo doanh thu cho các dự án cao tốc.

Đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho hay, trước khi ký hợp đồng BOT Quốc lộ 1A, quy hoạch cao tốc Bắc - Nam đã có và các nhà đầu tư đều đã được tiếp cận. “Khi đặt bút ký, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm nghiên cứu, Bộ không thể làm thay họ được” - vị này nói. Về hướng xử lý, ông này cho biết, đã quy định cụ thể trong hợp đồng. Với các nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT sẽ có trả lời khi chính sách xây dựng được Chính phủ thông qua (hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ).

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Những lo ngại của nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 A và cao tốc Bắc Nam trong tình huống sẽ gặp rủi ro pháp lý và sự phân tán lượng phương tiện lưu thông…là chính đáng, cần được Bộ GTVT chủ động làm rõ. Chuyên gia này cho rằng, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng rất lớn đến người sử dụng dịch vụ BOT, vì biến động thời gian thu phí rất lớn nên cần được bàn luận để giải quyết. Trước hết, các nội dung trong hợp đồng BOT Quốc lộ 1A hay bất cứ hợp đồng BOT nào cũng cần được công khai để làm cơ sở giải quyết.  

“Về nguyên lý, hợp đồng BOT không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội nên cần được công khai. Ngoài ra, người trả tiền, là chủ thực sự của các dự án BOT là người tham gia giao thông nên các điều khoản hợp đồng cần công khai để người dân giám sát”.          

 PGS.TS Từ Sỹ Sùa

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.