Cuộc hội thảo đã không bàn chuyện cũ, tức là những chuyện đã nói rồi không nhắc lại nữa và tìm hướng đi cho bong đá Việt Nam, vì vậy những ai mong đợi hội thảo sẽ bàn chuyện bỏ V-League, lập giải Super Liga chắc hẳn sẽ thất vọng. Mặc dù “bầu” Kiên đã gây sốc khi tuyên bố có tới 7 CLB sẵn sàng bỏ V-League để lập ra một giải mới mang tên Super Liga, và có hàng loạt đội bóng rất bất mãn với cách làm của VFF và sẵn sàng hưởng ứng giải Super Liga.
Cuộc hội thảo thì dài và nhiều vấn đề được bàn thảo, nhưng chung quy có một kết luận là bóng đá Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi một cách căn cơ. Không chỉ dừng lại ở việc phải thay đổi BTC giải mùa tới hoặc kỷ luật không cho làm bóng đá đến hết đời đối với 2 ông trọng tài mà là nói như ông Lê Tiến Anh (Khatoco Khánh Hoà) là lỗi hệ thống từ VFF, là sửa chữa quy chế, quy định của giải... Phải có biện pháp chế tài cực kỳ mạnh.
Các ông chủ bỏ tiền ra làm bóng đá mà không được bầu ra Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tại sao trước mỗi trận, có CLB đem cọc tiền tỷ đến kêu đá tốt để thưởng? Rồi vấn đề đội giá cầu thủ. Liên đoàn Bóng đá châu Âu có quy chế kiểm soát tài chính câu lạc bộ và là một yếu tố để tham khảo.
Thời gian tới, VFF cần triệu tập đại hội bất thường. Nên đưa những người nào thực tâm có thể đóng góp cho bóng đá vào Ban chấp hành Liên đoàn. Phải làm sao trong một thời gian ngắn bóng đá Việt Nam sẽ theo kịp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng bóng đá Việt Nam rất cần các doanh nghiệp và trong quy chế bóng đá cũng quy định các CLB phải là doanh nghiệp. Chính vì sự đặc biệt quan trọng của các doanh nghiệp trong cuộc chơi bóng đá, VFF cần phải lắng nghe và sửa đổi nhiều hơn nữa để phù hợp với quy luật phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Vấn đề còn lại là VFF sẽ thay đổi ra sao?