Đa dạng khăn phụ nữ Chăm

Đa dạng khăn phụ nữ Chăm
TP - Trang phục phụ nữ Chăm có hai thứ quan trọng: áo dài truyền thống và khăn trùm đầu. Ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang (nơi có nhiều người Chăm sinh sống nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long), quang cảnh dệt khăn khá nhộn nhịp. 

Thợ dệt khăn kỳ cựu Romah cho biết, trước đây, phụ nữ có gia đình hoặc lớn tuổi thường dùng khăn màu tối, các cô gái trẻ thích màu sáng. Ngày nay, sử dụng màu sắc tùy ý thích từng người; “phụ nữ Chăm bây giờ trùm khăn che kín tóc là được”, chị Romah nói. Truyền thống xưa, phụ nữ Chăm ra đường phải trùm khăn che kín tóc và cả mặt, tay, chỉ để hở đôi mắt. Hiện nay, trùm khăn chỉ cần che mái tóc, không nhất thiết phải kín mặt.

Khăn phụ nữ Chăm có nhiều loại để sử dụng tùy lúc. Khăn mats-to-ro trùm kín cả mặt; muột-toak kiêm luôn nón đội, che kín tóc; ma-tơ-ra có nhiều màu sắc sặc sỡ, trùm đầu khi đi đám tiệc; mas-pok là loại khăn choàng sang trọng, được sử dụng vào những dịp lễ lớn.

Đến An Giang, dễ bắt gặp hình ảnh các cô gái Chăm với những chiếc khăn nhiều màu sắc che kín tóc, cổ, chỉ để lộ khuôn mặt trắng ngần, đôi mắt đen láy và nụ cười e ấp. Chị cán bộ Hội Phụ nữ xã Đa Phước nói: “Lúc nắng nóng, khăn trùm đầu của người phụ nữ Chăm còn giúp tránh bớt ánh nắng gắt nên các cô càng thích”.

MỚI - NÓNG