Ða dạng hóa vận tải công cộng, 'kích hoạt' giao thông thông minh

0:00 / 0:00
0:00
Đa dạng hóa và kết nối liên thông xe buýt với đường sắt đô thị sẽ giúp hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc
Đa dạng hóa và kết nối liên thông xe buýt với đường sắt đô thị sẽ giúp hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc
TP - Trong các tháng đầu năm, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để tạo chuyển biến trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Một trong những nhiệm vụ này là xây dựng xong kế hoạch vận hành 9 tuyến xe buýt điện để đa dạng hóa loại hình xe buýt; triển khai các giải pháp “kích hoạt” phát triển giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc.

Vận hành 9 tuyến buýt “không khói” năm 2021

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT, để giảm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn trong đô thị, từ năm 2020 các tuyến buýt mở mới hàng năm phải đạt từ 5 đến 20% tuyến buýt chạy bằng nhiên liệu sạch. Để cụ thể mục tiêu này, trong kế hoạch mở mới 30 tuyến buýt trong năm 2021, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng - HPTC, đã báo cáo Sở GTVT Hà Nội dành 9 tuyến buýt trong danh sách các tuyến mở mới trong năm nay chạy bằng động cơ điện.

Trong tờ trình HPTC tham mưu Sở GTVT báo cáo và đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, 9 tuyến buýt mở mới đầu tiên trong năm 2021 sẽ là các tuyến xe buýt chạy bằng động cơ điện (xe buýt điện). Tại văn bản chấp thuận nội dung này do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký, nhấn mạnh: UBND thành phố ủng hộ chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động theo tờ trình của Sở GTVT. “Sau 8 tháng chuẩn bị, hiện các thủ tục mở tuyến đã được HPTC xây dựng cơ bản xong và có thời gian mở tuyến lần lượt từ quý III/2021”, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Nguyễn Hoàng Hải nói.

Đề cập đến lộ trình cụ thể của 9 tuyến buýt điện, HPTC cho biết, các tuyến có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, có nhu cầu sử dụng cao gồm: Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City; Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.

“Xe buýt không phát thải gây ô nhiễm, góp phần giảm ô nhiễm bụi - vấn đề đang trở nên ngày càng bức xúc tại Hà Nội. Với sự cơ động, nhiều công nghệ hiện đại phục vụ khách hàng, xe buýt điện sẽ tạo bước chuyển biến lớn trong chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô”, Giám đốc HPTC Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.

Cũng theo Giám đốc HPTC, với 160 xe của 9 tuyến xe buýt điện được đưa vào hoạt động, cộng với 102 xe buýt chạy bằng khí nén CNG đang hoạt động trên 7 tuyến buýt, thành phố sẽ có 262 xe buýt sử dụng không xả khói, khí thải ra môi trường. “Việc này giúp Sở GTVT Hà Nội đạt được mục tiêu có 10% trong tổng số đoàn xe buýt đang vận hành là sử dụng nhiên liệu sạch”, Giám đốc HPTC thông tin.

Ða dạng hóa vận tải công cộng, 'kích hoạt' giao thông thông minh ảnh 1

Xe buýt điện trong 9 tuyến điện buýt sắp mở chạy thử nghiệm trên đường

Kết nối liên thông, tạo chuyển biến bằng công nghệ

Đề cập đến các kết quả chung trong các tháng đầu năm 2021, đại diện HPTC cho biết, bên cạnh những sự quan tâm của Thành phố, Sở GTVT, các sở ngành, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt tiếp tục đối mặt những khó khăn, trong đó đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại; cùng với đó là tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp; việc thi công các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Vọng, đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội, hầm chui Lê Văn Lương… tiếp tục gây ảnh hưởng đến luồng tuyến, vận hành và chất lượng dịch vụ xe buýt.

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các Sở GTVT với các sở ngành, sự nỗ lực của mỗi đơn vị vận hành buýt, 6 tháng đầu năm mạng lưới buýt tiếp tục duy trì được sự ổn định, mở thêm các tuyến buýt mới theo kế hoạch. Cụ thể, sản lượng VTHKCC xe buýt trong 6 tháng đầu năm nay đạt 160,78 triệu lượt hành khách, doanh thu từ buýt trợ giá đạt 198,45 tỷ đồng. Số lượng này so với cùng kỳ các năm trước có bị sụt giảm là do ảnh hưởng của các nguyên nhân được đề cập ở trên.

Ða dạng hóa vận tải công cộng, 'kích hoạt' giao thông thông minh ảnh 2

Ðể đạt từ 5 đến 20% xe nhiên liệu sạch, Sở GTVT sẽ mở thêm các tuyến buýt CNG và xe buýt điện

Trong 6 tháng đầu năm, HPTC đã tham mưu cho Sở thực hiện mở mới 14 tuyến buýt; xây dựng phương án kết nối xe buýt với cả 2 tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội; mở rộng vùng phục vụ cho 03 tuyến CNG04, CNG07, 56A Sở GTVT đã giao chủ trương; hoàn thành đấu thầu 11 tuyến buýt hết hạn để thực hiện hợp đồng mới từ 1/4. Trình Sở GTVT phê duyệt thiết kế kỹ thuật đối với 20 tuyến buýt mở mới theo kế hoạch năm 2020 và năm tuyến buýt mở mới kết nối với đường sắt đô thị; báo cáo danh mục các tuyến buýt mở mới đợt hai năm 2021.

Với công tác giám sát, kiểm tra: Trung tâm đã phối hợp thường xuyên với lực lượng chức năng, trong đó có Thanh tra giao thông, CSGT thực hiện hơn 387.000 lượt kiểm tra, giám sát (tăng trên 200% so cùng kỳ), qua công tác này đã phát hiện và xử lý 366 trường hợp lái xe và đơn vị xe buýt vi phạm.

Tổng số tuyến buýt tại Hà Nội hiện nay là 140 tuyến (118 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour); buýt thành phố đã tiếp cận đến 30/30 quận huyện; mở rộng diện phục vụ đến 516/579 (đạt 89%) xã, phường (tăng 36% so với năm 2015). 6 tháng đầu năm xe buýt vận chuyển được trên 160 triệu lượt hành khách. Trong 6 tháng cuối năm, HPTC tiếp tục hoàn thiện, kích hoạt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm sớm mang lại sự chuyển biến tích cực cho VTHKCC Thủ đô.

Trên lĩnh vực quản lý, điều hành, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan triển khai các ứng dụng công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, phối hợp với Tổng Cty vận tải lắp camera giám sát cho toàn bộ 1.831 xe buýt trợ giá. Trong tháng 7, HPTC cũng đã báo cáo kết quả xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (Đề án Thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô) với Ban Giám đốc Sở GTVT. Đề án giải pháp cụ thể hóa một trong các nội dung của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND thành phố thông qua. Đến nay đề án đã được đơn vị tư vấn hoàn thành bước đầu. Mục tiêu của đề án là phân vùng, phân khu vực nội đô và lập các trạm thu phí theo công nghệ tự động để “kích hoạt” hệ thống quản lý giao thông, thu phí phương tiện thông minh, góp phần hạn chế xe đi vào trung tâm nội đô, giảm ùn tắc theo Nghị quyết của HĐND thành phố đã ban hành.

MỚI - NÓNG