Cuốn sách về nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và nhiều sĩ quan

TPO - Cuốn sách "Mãi lá trung quân" của tác giả Nguyễn Mạnh Thắng dày hơn 300 trang, viết về 27 nhân vật mà chủ yếu là các sĩ quan quân đội đang tại ngũ hoặc một số ít đã nghỉ hưu, đặc biệt là những trang viết giàu cảm xúc về Đại tá Hoàng Long Xuyên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Lâu nay, những cuốn ký sự nhân vật tập hợp từ các bài viết các nhà văn, nhà báo đã trở nên quen thuộc với độc giả. Tuy nhiên trong những cuốn sách ấy, ký sự Mãi lá trung quâncủa Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng vừa ra mắt tháng 6 là trường hợp hiếm.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, gồm 27 nhân vật mà chủ yếu là các sĩ quan quân đội đang tại ngũ hoặc một số ít đã nghỉ hưu. Đây là cuốn ký sự nhân vật độc lập, có cả một số trang viết về chân dung nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, nổi trội trong làm kinh tế thời đổi mới.

Cuốn sách về nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và nhiều sĩ quan ảnh 1
Tác phẩm Mãi lá trung quân được NXB Văn học ra mắt giữa năm 2024.

Những nhân vật và câu chuyện gắn với họ được đặt tên rất ấn tượng như Vị Đại tá đại thọ (nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - thọ 107 tuổi), Chữ trung của Chính ủy Trung (Trung tướng Trần Quang Trung), Ngọc sáng Như Đức (Thiếu tướng Lê Như Đức), Sứ mệnh đặc biệt của “sóc Hà Nội” (cựu chiến binh Lê Hồng Huân - lính lái xe Trường Sơn)...

Cuốn sách Mãi lá trung quân gây ấn tượng bởi mỗi chân dung nhân vật đều được kể theo cách riêng, dù cùng một tác giả. Vẫn là tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm, vẫn là phẩm chất đạo đức trong sáng trong công tác, nhưng mỗi nhân vật được tác giả lột tả bằng cảm xúc, tình tiết, câu chuyện riêng, phù hợp với nghề nghiệp, chuyên môn.

Cuốn sách về nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và nhiều sĩ quan ảnh 2

Tác giả Nguyễn Mạnh Thắng có kinh nghiệm hơn 10 năm làm báo, 30 năm công tác tại các đơn vị trong quân đội.

Khi viết về tấm gương của Đại tá, TS. Trần Hữu Lý trong nghiên cứu khoa học, chế tạo máy thiết bị, tác giả làm rõ sự khác biệt với chân dung các nhà khoa học ở các học viện, nhà trường.

Cùng viết về các nhà quản lý nhưng chất của chủ tịch Nhà máy Z121 lại khác với chất của một chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh…

Trong lời tựa, Đại tá, nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú nhận định: “Với mỗi chân dung, mỗi bài viết lại có nguyên tắc tìm ra cái nét riêng đặc sắc, không trộn lẫn, không giống ai, vì thế cuốn sách đa dạng về vùng miền, phong phú về lĩnh vực đời sống, nhưng vẫn nổi bật lên vẻ đẹp hình tượng bộ đội Cụ Hồ ở hôm nay. Tập sách chọn các bài viết, mà ngay tên bài đã cho thấy tính mới mẻ của nội dung mang tính thời sự”.

Cuốn sách về nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và nhiều sĩ quan ảnh 3

Đại tá đại thọ Hoàng Long Xuyên - nhân vật đầu tiên được kể trong cuốn sách. Ảnh: Việt Văn.

Một trong những bút ký ấn tượng nhất là Vị Đại tá đại thọ. Khi ông qua đời vào năm 2023 ở tuổi 107, tác giả đã lần lại tư liệu và khắc họa chân dung nhân chứng cuối cùng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đầy tính chân thực, sinh động và giàu cảm xúc.

Những cuộc trò chuyện với nhân vật, ký ức và cả sự quan sát tỉ mỉ cho thấy tác giả dày công nghiên cứu tư liệu lịch sử. Anh cũng dồn vào từng câu chữ biết bao cảm xúc và tình cảm chân thành dành cho người lính cụ Hồ mẫu mực, sống cuộc đời trọn vẹn và vẻ vang.

Đại tá Nguyễn Mạnh Thắng cho thấy khả năng phát hiện đề tài, chi tiết rất mau lẹ, nhất là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và chính trị. Dù chỉ có hơn 10 năm làm báo nhưng anh lại có tới 30 năm công tác tại các đơn vị trong quân đội. Anh khai thác được các chi tiết độc mà nhiều người viết khác không có được.

"Viết ký sự nhân vật rất khó, phải mất thời gian quan sát cử chỉ, hành động, thói quen, mối quan hệ của nhân vật cả trên dưới trong ngoài mới có cảm xúc để viết ra được cái chất ẩn sâu bên trong con người họ", tác giả Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.

Tác giả có cảm hứng cho nhan đề cuốn sách Mãi lá trung quân từ một lần đến thăm địa đạo Củ Chi. Anh ấn tượng với những chiếc lá trung quân lợp trên các căn hầm họp của quân ta trong kháng chiến. Những chiếc lá nhỏ xếp lên nhau, không bị mục nát bởi mưa nắng, thời gian, cũng không bị cháy bởi bom đạn và lửa kẻ thù. Đặc tính ấy gợi nhớ phẩm chất trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân của người lính.

MỚI - NÓNG