Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập

TPO - Dịp Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, các tác phẩm mỹ thuật mang tính lịch sử như thiết kế Quốc Huy, Huân chương Độc lập của họa sĩ Bùi Trang Chước và gần 50 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022 được giới thiệu tới công chúng thông qua triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 

Người đứng sau hàng trăm bản phác thảo mẫu vẽ Quốc huy

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu huân chương bao gồm Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.

Dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, các tác phẩm thiết kế mang tính lịch sử của họa sĩ Bùi Trang Chước và gần 50 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022 đến gần hơn với công chúng qua triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 1

Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 khai mạc dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9.

Họa sĩ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941.

Trong những năm 1951-1952, ông được điều về vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng. Đầu năm 1953, Nhà in Bộ Tài chính biệt phái ông sang Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác bằng khen, huân, huy chương cho Chính phủ.

Năm 1953, ông vẽ các mẫu huân chương bao gồm Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công…

Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Ngoại giao có Công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Quốc huy. Thực hiện chủ trương đó, một cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy được phát động rộng rãi. Họa sĩ Bùi Trang Chước vừa hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ tin tưởng giao phó, vừa tích cực tham gia cuộc thi sáng tạo mẫu Quốc huy.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 2
Thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và huân chương của họa sĩ Bùi Trang Chước.

Trong di bút Tôi vẽ mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước có đoạn: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”

Ông có một hành trình sáng tạo hết sức công phu và đầy ấn tượng để có được 112 bản vẽ nghiên cứu, bản vẽ phác họa, bản vẽ chi tiết… về biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

Họa sĩ Bùi Trang Chước được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất.

Những tác phẩm đi vào lịch sử

Triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 diễn ra đến ngày 8/9.

Sự kiện giới thiệu và tôn vinh những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của các tác giả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông nhấn mạnh triển lãm Tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 giúp công chúng có cơ hội được tiếp cận, thưởng thức trực tiếp các tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, có nội dung, tư tưởng sâu sắc.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 3
Họa sĩ Lê Thiết Cương chiêm ngưỡng các tác phẩm.

Triển lãm trưng bày 47 tác phẩm của 26 tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng. Bên cạnh họa sĩ Bùi Trang Chước, hai tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có tác phẩm được trưng bày là nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Nguyên Nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành.

Bộ ảnh Hai người lính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cũng thu hút sự chú ý của khách tham quan. Ảnh được chụp vào mùa xuân năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 4
Bộ ảnh Hai người lính của tác giả Chu Chí Thành.

Bộ ảnh gồm bốn bức. Bức thứ nhất chụp một nhóm người gồm quân Giải phóng, nữ du kích và lính quân đội cộng hòa tươi cười bắt tay nhau. Bức thứ hai là hình ảnh chiến sĩ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo và anh lính cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa khoác vai nhau thân thiện.

Bức ảnh thứ ba chụp hình ảnh Cầu Quảng Trị và bức cuối cùng là khoảnh khắc những người lính Sài Gòn được trả tự do, các chiến sĩ Giải phóng lưu luyến vẫy chào nhau trên sông Thạch Hãn mùa xuân năm 1973.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 5Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 6
Ảnh Ngày trở về (trái) và Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bộ ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành ánh lên khát khao được sống trong hòa bình, chứa đựng cả tư tưởng nhân văn của người Việt.

Chuyện họa sĩ thiết kế Quốc huy, các huân chương Sao vàng, Độc lập ảnh 7

Tác phẩm Đọc tin chiến thắng của hoạ sĩ Nguyễn Văn Chung.

Một số tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh nổi tiếng xuất hiện tại triển lãm bao gồm tranh Trong lán dân quân, Trăng về sáng của họa sĩ Nguyễn Văn Chung, Mẹ và người lính của hoạ sĩ Trịnh Hoàng Tân, bộ ảnh Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh...

Tin liên quan