Nằm trong tứ trụ thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại Trí - Lân - Vân - Cẩn, danh họa Trần Văn Cẩn thể hiện tài năng ở cả mảng tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần hình thành nên diện mạo của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Cuốn Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoàn thành vào tháng 7/2024. |
Sáng 8/8, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông (1994-2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu cuốn Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định tác phẩm có tính khái quát cao, bao trùm những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và nhấn mạnh những đóng góp của danh họa Trần Văn Cẩn với nền mỹ thuật Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định tác phẩm có tính khái quát cao. |
Trần Văn Cẩn là họa sĩ duy nhất trong nhóm bốn danh họa Trí - Lân - Vân - Cẩn sống trọn vẹn cuộc đời trong thế kỷ 20. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, các tác phẩm của ông đi theo ba mệnh đề gồm lịch sử, di sản và xã hội. Đó cũng là hướng khai thác của cuốn sách mới về danh họa Trần Văn Cẩn.
"Họa sĩ Trần Văn Cẩn gắn bó sâu đậm với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông góp công lớn sưu tầm tác phẩm cho bảo tàng từ năm 1973. Tranh của danh họa Trần Văn Cẩn cho thấy cái nhìn bao quát về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam qua những giai đoạn lịch sử. Cuốn sách vừa được giới thiệu cũng thể hiện chặng đường sáng tác trải dài theo lịch sử của ông", bà Nguyễn Hải Yến nói.
Các tác phẩm của Trần Văn Cẩn đi theo ba mệnh đề gồm lịch sử, di sản và xã hội. |
Họa sĩ Trần Văn Cẩn luôn cho thấy sự nho nhã, tình cảm. Ông yêu mến nghề nghiệp, nhân vật trong tranh hay phong cảnh đất nước. Với đồng nghiệp, họa sĩ Trần Văn Cẩn giữ lối ứng xử trân trọng, khiêm nhường.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - danh họa Trần Văn Cẩn cùng với thế hệ vàng Trường Mỹ thuật Đông Dương đặt những viên gạch đầu tiên cho nền cốt vững chắc của mỹ thuật hiện đại - đương đại Việt Nam thế kỷ 20.
"Từ những nẻo đường gian khổ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông vẫn là người tận tụy, tận tâm trong thầm lặng và chỉ để cho ngọn bút tài hoa cất giọng trên từng tác phẩm. Ông hồn hậu sống và vẽ, là người đồng hành thủy chung với số phận của dân tộc, của đất nước", họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - là người viết lời tựa cho cuốn sách. |
Cuốn Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được lên ý tưởng từ năm 2020, hoàn thiện trong vòng 4 năm. Tác phẩm cũng giới thiệu một số bức họa hiếm, có bức chưa từng được công bố của danh họa Trần Văn Cẩn như tranh lụa Ở hang, được sáng tác năm 1951.
Trong tranh, họa sĩ vẽ trên nền lụa nái thô hình ảnh hai người phụ nữ Thổ mặc áo chàm, ngồi khâu vá bên cạnh em bé ở cửa hang. Diễn tả chân dung phụ nữ và trẻ em là sở trường của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Tranh lụa Ở hang lần đầu được công bố. |
Dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tiếp nhận tác phẩm âm nhạc Little Thuy Minuet do nhạc sĩ Paul Zette trao tặng. Tác phẩm Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn đã tạo cho nhạc sĩ những cảm xúc đặc biệt, thôi thúc ông viết bản nhạc dành riêng cho tác phẩm.