Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu

TPO - Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khánh thành trụ sở mới tại địa chỉ cũ, số 51 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).  Công trình xây mới và trùng tu, cải tạo ngôi biệt thự trăm năm tuổi được khởi công từ tháng 3/2022. 

Địa chỉ linh thiêng, nghĩa tình

Lễ khánh thành công trình xây dựng trụ sở Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam diễn ra hôm 1/8. Trụ sở mới là công trình xây mới và trùng tu, cải tạo nhà biệt thự tại số nhà 51 phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân khẳng định công trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ sĩ làm việc.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 1
Trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trên con phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đình Toán.

Trước đây trong khuôn viên của nhà 51, ngoài văn phòng làm việc của các hội, còn là nơi ở, sinh hoạt của nhiều gia đình văn nghệ sĩ như nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Xuân Tửu…

Công trình chỉ có các căn nhà cấp 4 đơn sơ, chật hẹp cùng một hầm trú ẩn máy bay ở giữa sân. Trụ sở 51 Trần Hưng Đạo đã ghi dấu ấn của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Họ đã sống, làm việc và sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 2Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 3
PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ nhiều kỷ niệm đặc biệt với ngôi nhà của bao thế hệ văn nghệ sĩ. Ảnh: Đình Toán.

"Có được công trình hoành tráng, hiện đại, tiện nghi như hôm nay, chúng tôi phải tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà văn hóa lỗi lạc, người anh, người bạn lớn vô cùng đáng kính và thân thiết đối với giới văn hóa, văn học nghệ thuật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm chỉ đạo việc tu bổ, cải tạo và xây dựng mới trụ sở 51 từ năm 2013 khi đến thăm và làm việc với Liên hiệp", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT hai nhiệm kỳ 8 và 9 - cũng là người có công lớn để Liên hiệp có trụ sở khang trang. Ông là tổng công trình sư từ ý tưởng đến những bản vẽ thiết kế đầu tiên.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 4
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều thành viên Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tại căn nhà số 51 Trần Hưng Đạo.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, tháng 9/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng dành nguyên một buổi làm việc để nghe đại diện Liên hiệp báo cáo tình hình và nêu những kiến nghị với Đảng và Nhà nước.Tổng Bí thư giải quyết 2 trong số 5 kiến nghị của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Một trong số đó là việc cho phép Liên hiệp tiến hành nâng cấp, sửa chữa và xây mới trụ sở 51 Trần Hưng Đạo xứng đáng với mái nhà chung của văn học nghệ thuật cả nước.

Trụ sở này cũng được coi như ngôi nhà linh thiêng, nghĩa tình, thánh địa của sự sáng tạo, trái tim của giới văn học nghệ thuật cả nước. Chủ trương xây dựng trụ sở mới là tôn trọng lịch sử kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, liên kết với các công trình liền kề tạo thành một chuỗi liên hoàn các công trình kiến trúc đẹp cho Thủ đô.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 5Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 6
Trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sau trùng tu. Ảnh: Nguyễn Trọng Quân.

Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, công trình mới không chỉ là nơi làm việc cho Liên hiệp và các hội chuyên ngành, mà còn là địa chỉ đáng tin cậy, là ngôi nhà chung luôn mở rộng cánh cửa để chào đón các thành viên của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Dự án chưa từng có

Đại diện Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cũng nhấn mạnh quyết định xây dựng công trình là sự việc vô cùng hệ trọng, đây là dự án lớn chưa từng có kể từ ngày thành lập Liên hiệp. Việc cải tạo và xây dựng mới trụ sở là nguyện vọng thiết tha của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.

Lịch sử ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo có từ lâu đời. Đến nay công trình tồn tại ngót nghét 100 năm. Khi mới xây dựng, căn biệt thự nằm trong khuôn viên có sân vườn với tổng diện tích là 2.000 m2, trong đó diện tích nhà ở là 800 m2.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 7Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 8

Không gian cổ kính của biệt thự trước khi trùng tu.

Bác Hồ và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ tại 51 Trần Hưng Đạo. Năm 1946, vua Bảo Đại ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hợp tác, làm việc với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng ở tại chính ngôi nhà này. Do đó, nhiều người gọi đây là "Dinh Bảo Đại" thứ 8.

Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 9Biệt thự cổ của hàng trăm văn nghệ sĩ sau trùng tu ảnh 10

Công trình có tổng mức đầu tư trên 115 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Trọng Quân.

Sau năm 1954, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã tiếp quản công trình này và sử dụng đến ngày nay.

Công trình xây mới và trùng tu, cải tạo nhà biệt thự tại số 51 phố Trần Hưng Đạo được triển khai từ năm 2014, nhưng đến năm 2022 mới chính thức khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư trên 115 tỷ đồng.

Tin liên quan