Phục dựng điện Kính Thiên: Làm rõ công năng, 'thổi hồn' vào di sản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ năm 2011 đến nay, quá trình khai quật nghiên cứu khảo cổ học Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (khu vực Chính điện Kính Thiên) thu được kết quả quan trọng, góp phần nghiên cứu, khôi phục điện Kính Thiên.

Nhiều phát hiện đột phá

Cuối tháng 7/2024, tại kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới gõ búa thông qua quyết định đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Ủy ban Di sản thế giới ghi đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010. Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông trục Hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian và chính điện Kính Thiên - vốn được nhiều chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo trong những năm gần đây.

Phục dựng điện Kính Thiên: Làm rõ công năng, 'thổi hồn' vào di sản ảnh 1

Kết quả khai quật mới nhất cho phép hình dung về điện Kính Thiên rõ ràng hơn trước

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực trung tâm (khu vực chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10 nghìn m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả lớn, thu nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục chính điện.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, khảo cổ học tại khu vực nền điện Kính Thiên năm 2023 phát hiện địa tầng nền điện dày trên 3 mét với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ. Một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định. Điều này cho thấy, các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất. Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật cũng thu được di vật gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống hoàng cung.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, các nhà khoa học đã đi được quá nửa quãng đường nhận thức phục dựng điện Kính Thiên. “Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu tích sân Đại triều hay sân Đan trì, dự đoán tổng thể khoảng 12 nghìn m2. Dấu tích Ngự đạo cũng được tìm thấy. Dù mặt Ngự đạo đã bị phá hủy hầu hết nhưng vật liệu để lại cho thấy có thể thời Lê trung hưng mặt đường lát đá, thời Lê sơ lát gạch vuông cỡ lớn”, ông Tín chia sẻ.

Nhìn nhận kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho rằng, các công trình khảo cổ có tính liên kết, góp phần phát hiện nhiều giá trị vật thể khác nhau. Đó là cơ sở để báo cáo UNESCO về tình trạng bảo tồn Hoàng thành Thăng Long.

Phục dựng điện Kính Thiên: Làm rõ công năng, 'thổi hồn' vào di sản ảnh 2

Di vật gạch, ngói, gốm liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống hoàng cung

Không dừng ở lớp vỏ kiến trúc

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, dự án bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long và phục hồi điện Kính Thiên được đánh giá cao vì đi đúng xu thế bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO, được nêu rõ trong những văn bản hướng dẫn thực hiện công ước năm 1972.

“Dự án phục hồi chính điện Kính Thiên phải trả lời được câu hỏi tại sao cần hạ giải tòa nhà Cục tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu của QĐNDVN trong kháng chiến chống Mỹ). Chúng ta không hạ giải bằng cách đập phá, tháo gỡ bình thường mà đã nghiên cứu, theo dữ liệu khoa học trước và trong quá trình hạ giải theo nguyên tắc, yêu cầu đã đặt ra”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Phục dựng điện Kính Thiên: Làm rõ công năng, 'thổi hồn' vào di sản ảnh 3

Mô hình điện Kính Thiên được Viện Nghiên cứu kinh thành phục dựng

Tuy nhiên, công tác phục dựng không thể nặng về phỏng đoán mà cần nghiên cứu cẩn thận và hệ thống hóa một cách khoa học các tư liệu lịch sử. Kết quả phục dựng điện Kính Thiên phải hướng tới làm rõ công năng, thổi hồn cho di sản. “Kết quả khảo cổ và các di vật lịch sử chỉ cho phép ta mường tượng về lớp vỏ kiến trúc. Nội thất, công năng của công trình và những bản chất sinh hoạt cung đình, hoàng gia, lễ hội truyền thống,… cần được tìm hiểu kỹ. Nghiên cứu những di sản phi vật thể đó mới giúp chúng ta có một công trình phục hồi ý nghĩa”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói. Ông đề xuất diễn giải di sản văn hóa, kết hợp truyền thông bằng công nghệ hiện đại. Ý tưởng về bảo tàng hoàng cung cũng được đề cập, góp phần thể hiện cả danh sách tư liệu vật thể, phi vật thể.

Khái niệm tìm ra không gian điện Kính Thiên chính là tìm trục trung tâm của kinh thành Thăng Long. PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành cho rằng, quá trình phục dựng điện Kính Thiên được người dân và các nhà khoa học mong đợi, nhưng không thể thực hiện quá vội vàng, càng không thể chỉ dựa vào phỏng đoán.

“Càng nghiên cứu, đào sâu càng lộ ra nhiều vấn đề khó, cần đầu tư lớn. Chúng ta giải mã điện Kính Thiên trong mối quan hệ với các điện thiết triều giai đoạn trước. Khảo cổ phải gắn kết với lịch sử”, PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định.

Sau khi phục dựng điện Kính Thiên, du khách đến Hoàng thành Thăng Long có cơ hội hình dung về quần thể kiến trúc của trung tâm quyền lực trải qua nhiều triều đại, hiểu thêm về lịch sử. Bởi thế, các phế tích kiến trúc càng cần sự diễn giải, kết hợp trưng bày bổ sung để duy trì giá trị, sức sống của di sản.

Giải mã hình thái kiến trúc

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816 vua Gia Long cho xây dựng cung điện mới ngay tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay chính là thềm bậc đá chạm rồng.

Các nhà khảo cổ học đã tìm ra những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là công trình “nghệ thuật mái nhà” đặc sắc. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

MỚI - NÓNG