Ánh chớp thầm lặng
Nhân kỷ niệm 100 năm sinh của họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924-17/7/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức cuộc trò chuyện nghệ thuật với chủ đề Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng.
Các diễn giả chia sẻ những cống hiến của ông cho nghệ thuật một cách thầm lặng. Nhiều câu chuyện đời thường về một trong bốn “tứ trụ” của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam được hé lộ.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê (đứng) là một trong các diễn giả của cuộc gặp gỡ Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng. |
Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông theo học khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những tác phẩm để đời của ông có thể kế đến Hồ Chủ tịch qua suối, Hào, Hành quân đêm, Chiều vàng…
Ông là một trong “tứ trụ” của giới mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX - Nghiêm-Liên-Sáng-Phái.
Họa sĩ Dương Bích Liên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật năm 2000.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) - cho biết họa sĩ Dương Bích Liên giống như hầu hết thanh niên trí thức Hà Nội thời đó.
Ông cũng mang nặng nỗi ưu tư, khát khao “canh tân” và “cách mạng”.
Những họa sĩ này hào hứng tiếp nhận tri thức thẩm mỹ mới, sử dụng thuần thục thể loại và chất liệu mới, tuy nhiên vẫn không xa rời mạch nguồn thẩm mỹ truyền thống.
“Có thể nói Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam thời đó”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nêu.
Một trong những bức họa nổi tiếng của Dương Bích Liên là Hồ Chủ tịch qua suối. Tác phẩm đã giành giải Nhất ở triển lãm toàn quốc 1980, nay được công nhận là Bảo vật quốc gia, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.
Bức tranh Hồ Chủ tịch qua suối được công nhận là Bảo vật quốc gia, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Chia sẻ câu chuyện hậu trường về bức tranh này, họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết ban đầu họa sĩ Tô Ngọc Vân được giao nhiệm vụ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông Tô Ngọc Vân lại đề cử họa sĩ Dương Bích Liên. Với Tô Ngọc Vân, người vẽ ra được thần thái Hồ Chủ tịch chỉ có thể là họa sĩ Dương Bích Liên.
“Trước khi mất vài ngày, ông vẫn kể chi tiết, rành rọt từng cử chỉ rất đẹp của Bác. Ấn tượng 36 năm vẽ Bác Hồ, đến lúc ông sắp rời đi vẫn có thể kể rành rọt”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nhớ lại.
Bà Khuê cũng cho biết chi tiết hai quả tên lửa trong bức Hào được thêm vào sau khi Nguyễn Tuân góp ý. Họa sĩ Dương Bích Liên tếu táo nói rằng hai quả tên lửa trong tranh thuộc về Nguyễn Tuân.
Nhà trí thức uyên bác
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết họa sĩ Dương Bích Liên là nhà trí thức uyên bác, ông đọc nhiều, học nhiều, nhưng sống yên lặng bên cạnh cuộc sống ồn ào của đô thị. Đời sống nghệ thuật của ông là dòng chảy lặng lẽ đầy tính nghệ thuật.
“Mỹ thuật hiện đại Việt Nam may mắn có được bộ tứ trụ cuối cùng kết thúc thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương. Đây là gạch nối cho xu thế càng ngày càng đa dạng của mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết họa sĩ Dương Bích Liên là nhà trí thức uyên bác. |
Họa sĩ Đặng Thị Khuê cho biết ông khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống để dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Vì vậy, thế giới nghệ thuật của ông chứa đầy sự tương phản - vừa lánh đời lại vừa cuồng nhiệt, vừa bình dị lại vừa uyên thâm, vừa bâng quơ, vừa cao thượng, hào sảng.
“Tha thiết với cuộc đời và biết mình nhạy cảm dễ tổn thương, ông thường giữ một khoảng cách trong giao tiếp. Tồn tại trong im lặng, lấy sáng tạo làm lẽ sống, ông đã một mình với tất cả”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nêu.
Tại cuộc trò chuyện, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật khẳng định cần thêm nhiều nghiên cứu về hội họa của Dương Bích Liên để xứng tầm với những tác phẩm ông để lại cho nền hội họa Việt Nam. Nhiều người mong mỏi Nhà nước quan tâm, đưa bức Hào trở về.
Bức tranh Hào có kích thước 147 x 200 cm - kích thước hiếm thấy của một tác phẩm hội họa thời kỳ trước. Điều này cho thấy sự dụng công của Dương Bích Liên. Bức tranh này được Dương Bích Liên vẽ để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhưng bị loại. Tác phẩm lưu lạc, qua tay nhiều người, cuối cùng thuộc về một nhà sưu tập tranh nhưng ông không cho ai xem, chụp ảnh.