Cuộc đua không phép

Sinh viên trong một tiết học của chương trình liên kết với nước ngoài tại ĐH Nguyễn Tất Thành
Sinh viên trong một tiết học của chương trình liên kết với nước ngoài tại ĐH Nguyễn Tất Thành
TP - Nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước đang ra sức mở chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với nước ngoài, dù chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép.

> Đóng cửa hay không ngành học thiếu thí sinh
> Sẽ đề nghị lập đoàn kiểm tra liên ngành

Sinh viên trong một tiết học của chương trình liên kết với nước ngoài tại ĐH Nguyễn Tất Thành
Sinh viên trong một tiết học của chương trình liên kết với nước ngoài tại ĐH Nguyễn Tất Thành.
 

Không phép vẫn tuyển sinh

Trong vai thí sinh muốn học chương trình LKĐT với nước ngoài, chúng tôi tìm đến trường CĐ Viễn Đông thì được nhân viên của trường này cung cấp thông tin về chương trình “Tuyển sinh cử nhân ĐH theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ” theo chương trình liên kết 2+2.

Theo đó, trường này liên kết với ĐH Valdosta (Hoa Kỳ) đào tạo hai nhóm ngành gồm: Nhóm ngành Quản trị kinh doanh (gồm các chuyên ngành Kế toán- Tài chính, Kinh doanh quốc tế, Quản trị, Marketing và Kinh tế) và nhóm ngành thứ 2 là Khoa học tự nhiên và Nghệ thuật (gồm các chuyên ngành Công nghệ sinh học, Hóa học, Tiếng Anh, Toán và Khoa học máy tính, Tổ chức lãnh đạo)…

Theo thông báo tuyển sinh, thời gian nhận hồ sơ là từ ngày 15-10, nhập học ngày 30-10-2011. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường thừa nhận: Chương trình liên kết đào tạo trên chưa có phép của Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, theo quảng bá của trường, hiện nhà trường đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều ĐH quốc tế như: ĐH Cheng Shiu (Đài Loan), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thiên Tân (Trung Quốc), Viện Kinh doanh châu Âu (Cộng hòa Ireland), ĐH Công nghệ Rajamangala (Thái Lan)…

Tương tự, ĐH Bình Dương dù chỉ được Bộ GD-ĐT cho phép liên kết với ĐH Assumption (Thái Lan) nhưng cũng quảng bá tuyển sinh hàng loạt các chương trình liên kết với ĐH Bách khoa quốc gia Saint Petersburg (Nga), ĐH Benedictine, ĐH Apollos (Hoa Kỳ), ĐH Audirium (Singapore), ĐH Hang Kyong, CĐ Kyung Buk, Fausang (Hàn Quốc)…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt các trường ĐH khác như Công nghiệp TPHCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế Tài chính TPHCM, Công nghệ Thông tin Gia Định, Nguyễn Tất Thành… đều có những chương trình LKĐT không được sự đồng ý của Bộ.

Không tuyển sinh thì… mất mối

Viện đào tạo quốc tế NTT thuộc ĐH Nguyễn Tất Thành có 3 chương trình LKĐT với nước ngoài được Bộ GD-ĐT cấp phép gồm: Liên kết với trường CĐ Kỹ thuật Chisholm (Úc) đào tạo 2 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Tiếp thị kinh doanh liên kết với tổ chức Edexel (Malaysia) đào tạo ngành Quản trị khách sạn và liên kết với Học viện FTMS Global (Singapore) đào tạo ngành Tài chính - Kế toán.

Thế nhưng kèm theo mỗi chuyên ngành đào tạo trên, trường lại giới thiệu liên kết thêm một trường mới. Ví dụ: ngành Tài chính - Kế toán, trường giới thiệu thêm là liên kết với ĐH Anglia Ruskin (Anh quốc); ngành Quản trị kinh doanh lại thêm phần liên kết với ĐH California (Mỹ); ngành Quản trị khách sạn lại có thêm trường ĐH Gloucestershire (Anh quốc)…

Theo đại diện của nhiều trường ĐH, CĐ có chương trình LKĐT với nước ngoài thì phía đối tác nước ngoài chỉ “bật đèn xanh” cho trường trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó nên nếu không nắm bắt thì cơ hội sẽ qua đi. Chính vì vậy, các trường mới tổ chức liên kết trước rồi sẽ làm văn bản xin phép Bộ GD-ĐT sau.

Đơn cử, tại ĐH Tôn Đức Thắng, dù chỉ được Bộ cho phép liên kết đào tạo với ĐH Khoa học Ứng dụng Saxion (Hà Lan) ở hai chuyên ngành Kế toán - Tài chính và Kỹ thuật Điện - Điện tử nhưng trường đã tự ý tuyển sinh thêm ngành Quản trị kinh doanh.

Phó Hiệu trưởng nhà trường - bà Trịnh Minh Huyền thừa nhận là chưa có giấy phép và cho biết: “Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ để xin giấy phép”. Trong khi đó, tại ĐH Bình Dương, ông Cao Việt Hưng, Phó Hiệu trưởng thừa nhận: “Hiện chương trình thạc sỹ chuyên ngành Phát triển và Quản lý Doanh nghiệp cùng chương trình thạc sỹ chuyên ngành Phân tích và Quản lý Đầu tư mà trường liên kết với ĐH Assumption (Thái Lan) có giấy phép”. Còn các chương trình LKĐT với một số ĐH của Nga, Mỹ, Hàn Quốc thì chưa có giấy phép.

Cũng theo ông Hưng: “Đợi có giấy phép của Bộ GD-ĐT thì sẽ không giữ được mối quan hệ với đối tác nên phải… nhắm mắt làm liều”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT về hợp tác đầu tư với nước ngoài, việc LKĐT với nước ngoài phải đặt ra các yêu cầu như: Đối tác nước ngoài phải là trường được kiểm định hoặc được các cơ quan nước ngoài công nhận, các bên liên kết còn phải thỏa mãn các điều kiện của Việt Nam về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất…Các trường đua nhau mở chương trình đào tạo không có giấy phép khiến dư luận đặt mối nghi ngờ về chất lượng đào tạo thực sự của chương trình.

Các chương trình LKĐT có chung một đặc điểm là phương thức tuyển sinh khá dễ dãi: Đầu vào thường chỉ cần tốt nghiệp THPT và có vốn kiến thức về ngoại ngữ. Tuy nhiên, hiện tiêu chí ngoại ngữ cũng được các trường du di bằng cách tuyển sinh vào rồi dành một đến hai học kỳ để dạy ngoại ngữ. Phương thức đào tạo đang “biến tấu” muôn hình muôn trạng. Đa phần các chương trình LKĐT có mức học phí khá cao, thường khoảng 6.000 - 7.000 USD/năm học, tùy từng đối tác.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.