Cùng người nghèo vượt 'bão giá'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Do tác động của giá xăng dầu và hàng loạt chi phí đầu vào không ngừng tăng cao những ngày qua, giá hàng hoá, dịch vụ đã tăng cao, kể cả lương thực, thực phẩm. Khi không ít mặt hàng thiết yếu tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, hầu hết lao động nghèo ở TPHCM, Bình Dương đang phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua “bão giá”.
Cùng người nghèo vượt 'bão giá' ảnh 1

Gia đình chị Hạnh phải thắt chặt chi tiêu vì mọi thứ đều tăng giá. Ảnh: H.T

Sau giờ làm tăng ca, chị Nguyễn Thị Phương (38 tuổi, công nhân ở quận 12, TPHCM) cầm tờ 100 nghìn đồng và người bạn cùng phòng đạp xe ra khu chợ dân sinh gần phòng trọ để mua đồ ăn chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau. Hai người phụ nữ dạo một vòng quanh chợ, rồi mang về một túi rau, 4 con cá nục to bằng ngón tay cái cùng ít gia vị.

Chị Phương cho biết, trước đây dùng 100 nghìn đồng đi chợ là đủ mua cả thịt cá, rau củ cho hai người ăn hai ngày, nay mới mua được ít rau với mấy con cá đã gần hết tiền.

“Rau xanh đã tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg, thịt tăng 10.000-15.000 đồng/kg. Đến hành, ngò trước đây mua rau được cho thêm thì nay cũng phải chi 5.000 đồng họ mới bán”, chị Phương nói.

Giá cả các mặt hàng ở chợ tăng cao trong khi mức lương vẫn đang giữ nguyên khiến chị Phương và đồng nghiệp phải tính toán lại chi tiêu hằng ngày của hai người để không tăng thêm chi phí sinh hoạt.

“Các chị phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu; bớt đi ăn hàng quán để khỏi thâm hụt vào tiền tiết kiệm”, nữ công nhân chia sẻ.

Cũng lâm vào cảnh khốn khó sau khi vật giá leo thang theo giá xăng dầu, chị Lâm Bích Hạnh (39 tuổi, công nhân ở quận Bình Tân) phải đi bộ từ phòng trọ đến chỗ làm, thay vì đi xe máy như trước để tiết kiệm chi tiêu. Với mức lương công nhân ít ỏi, gia đình chị Hạnh với 4 thành viên ở chen chúc trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 với giá thuê 2,5 triệu đồng.

Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn giờ càng chật vật khi giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày một tăng.

“Tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền học của hai con khoảng 4 triệu đồng, tiền thuê trọ cùng điện, nước là 2,5 triệu đồng, ăn uống cả nhà tằn tiện lắm cũng hết 3 triệu đồng nữa. Thu nhập thấp trong khi hằng ngày phải chi tiêu đủ thứ nên làm tháng nào xài hết tháng đó, nếu không tiết kiệm, gia đình tôi sẽ rất khó khăn”, chị Hạnh nói.

Sau khi các khoản chi tiêu của gia đình tăng lên theo giá xăng, chị Hạnh phải đi làm “lao công” thêm cho một trung tâm thương mại gần nhà vào buổi tối để có thêm khoản tiền trang trải.

Cùng chia sẻ để vượt khó

Anh Nguyễn Văn Hải, chủ khu nhà trọ trên đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Tôi định tăng giá nhà trọ từ 800.000 lên 1 triệu đồng/phòng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vật giá liên tục tăng, người ở trọ khó khăn nên tôi không đành. Khu trọ có 60 phòng, chủ yếu là công nhân ở. Không chỉ ngưng kế hoạch tăng giá thuê phòng, thỉnh thoảng tôi còn tìm nguồn thực phẩm về tặng người ở trọ khó khăn”.

Chủ khu nhà trọ ở phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, Bình Dương tên là Phạm Văn Nam cũng chia sẻ khó khăn với khách thuê. Ông cho biết, khu có 65 phòng trọ, mỗi phòng cho thuê với giá 2 triệu đồng/tháng.

“Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, tôi chủ động miễn 4 tháng tiền thuê phòng và khi giá xăng, dầu tăng ông cũng giảm tiền thuê nhưng tùy theo từng hoàn cảnh người thuê.

“Ðể hỗ trợ cho người lao động vượt khó, chúng tôi vận động doanh nghiệp cung cấp rau củ và các sản phẩm thiết yếu dùng trong gia đình như nước mắm, dầu ăn, nước giặt, lau nhà với giá giảm từ 20 đến 30%”.

Ðại diện lãnh đạo Liên Ðoàn Lao động tỉnh Bình Dương

“Tôi xem khách thuê trọ như người cùng một nhà. Khi họ khó khăn hay cần gì đều lên tiếng. Hôm xăng tăng giá, họ kêu khó khăn nên tôi quyết định giảm tiền thuê xuống 500 nghìn đồng/tháng”, ông Nam nói.

Ông Tống Xuân Giang, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ người dân, nhất là công nhân lao động vượt qua khó khăn, các cấp hội đồng loạt tổ chức nhiều gian hàng “0 đồng”. Không ít hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đủ loại được bố trí ở các điểm có đông công nhân, ai đến đều được mua hàng không mất tiền.

Để hỗ trợ, bình ổn giá giúp người nghèo bớt khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM cũng đã giảm giá bán hàng. Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, với mặt hàng rau, củ, quả và thủy hải sản, giá bán theo chương trình bình ổn giá (tùy vào thời điểm) đảm bảo thấp hơn ít nhất 5-10% so với giá thị trường. Các loại lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, muối ăn, dầu ăn… năm 2022 vẫn giữ nguyên giá bán so với mức giá bình ổn năm 2021.

MỚI - NÓNG