TPHCM bình ổn thị trường trong cơn 'bão giá'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá xăng dầu tăng vọt kéo theo cơn “bão giá” của tất cả các mặt hàng trên thị trường. Các sở ngành TPHCM đang nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp để góp phần bình ổn thị trường.

Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM (chiều 14/3), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, do tác động của việc gia tăng giá xăng dầu đã dẫn tới áp lực tăng giá đối với tất cả các mặt hàng, từ nguyên liệu đến bao bì và thành phẩm, gia tăng áp lực, tăng chi phí.

Ông Nguyên Phương cho biết: “Đối với giá cả ở các chợ truyền thống hiện nay phụ thuộc vào lượng hàng do tiểu thương chuẩn bị trong ngày cũng như lượng khách mua sắm trong ngày, do đó giá sẽ được điều chỉnh liên tục. Qua theo dõi những ngày gần đây của Sở Công Thương cho thấy, giá một số mặt hàng tươi sống, đặc biệt là rau củ quả đang có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân chính là do chi phí vận chuyển hàng hóa từ vùng nguyên liệu về TPHCM, chi phí xăng dầu phục vụ tưới tiêu tăng cao”.

TPHCM bình ổn thị trường trong cơn 'bão giá' ảnh 1

Giá cả các mặt hàng thực phẩm đang tăng cao

Theo ông Phương, hàng hóa ở các hệ thống siêu thị có sự thống nhất với nhau. Hiện nay, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đề xuất tăng giá từ phía nhà cung cấp. Tuy nhiên, đến nay hệ thống phân phối hiện đại vẫn đang trong quá trình xem xét điều chỉnh. Các hệ thống phân phối hiện đang rà soát, kiểm tra, tính toán các yếu tố đầu vào căn cứ trên những đề xuất hợp lý thì mới thực hiện việc điều chỉnh.

Sự ổn định trên là nhờ chương trình bình ổn thị trường đang được thực hiện trên địa bàn TPHCM. Một số mặt hàng là lương thực thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu thuộc chương trình bình ổn đang duy trì mức giá ổn định, thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Trước tình hình áp lực giá đang tăng cao, Sở Công Thương đang phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TPHCM phương hướng hỗ trợ doanh nghiệp để góp phần bình ổn phí đầu vào, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu.

“Lương thực, thực phẩm là những hàng hóa được cung ứng chiếm 30 đến 50% thị phần, các doanh nghiệp đã cam kết sẽ giữ giá bình ổn 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết.

Người dân trên địa bàn TPHCM có thể an tâm rằng, từ nay đến cuối tháng 3/2022, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường ở hệ thống phân phối hiện đại, các cửa hàng sẽ được giữ giá ổn định” - ông Nguyên Phương nói.

Theo chương trình bình ổn, các doanh nghiệp sẽ đảm bảo về giá cả và số lượng của 4 mặt hàng, gồm: thực phẩm, dụng cụ học tập, sữa, hóa phẩm phòng dịch. Tuy nhiên, đến ngày 31/3 chương trình sẽ kết thúc, trong trường hợp chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có quyền đề xuất tăng giá bán trong hệ thống phân phối hiện đại từ 3-5%.

Tuy nhiên, trong trường hợp đã điều chỉnh thì giá những mặt hàng nói trên vẫn luôn thấp hơn so với cùng loại ngoài thị trường. Ước tính thực phẩm thấp hơn 5-10%; dụng cụ học tập thấp hơn 10-15%.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.