Lý do là đến ngày 13/7 Nguyễn Kim chưa nộp gần 150 tỷ đồng tiền bị Cục thuế phạt, truy thu do đơn vị này “lách” thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bằng chiêu chuyển tiền lương thành tiền tăng ca, làm thêm giờ hàng chục năm liền.
Thông báo cưỡng chế đã được chi cục thuế Q.1 gửi đi vào chiều 13/7. Do vậy, khả năng từ ngày 14/7 các ngân hàng mới thực hiện việc cưỡng chế.
Trước đó, ngày 29/6 Cục Thuế TP đã ký quyết định truy thu, phạt hơn gần 150 tỷ đồng đối với siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Trong đó, truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế, trong vòng 10 ngày kể từ ngày Nguyễn Kim nhận được quyết định (ngày 2/7), nơi này phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Tuy nhiên, đến hết ngày 13/7 Nguyễn Kim không chấp hành nên Cục Thuế TP ra quyết định cưỡng chế.
Về phía Nguyễn Kim, trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận quyết định có thể khiếu nại lên cơ quan thuế cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa.
Tuy nhiên, dù khiếu nại thì doanh nghiệp này vẫn phải nộp số thuế bị truy thu trên trong thời gian quy định là 10 ngày kể từ khi nhận quyết định.
Sau khi Cục thuế TP ra quyết định truy thu và phạt, Nguyễn Kim không đồng ý và có văn bản xin ý kiến của Tổng cục Bộ tài chính. Tuy nhiên về quan điểm thì Cục vẫn ra quyết định xử lý vì hết thời gian, đã thanh tra kiểm tra xong nên cơ quan thuế phải ra quyết định xử lý. Còn khi Bộ Tài chính chỉ đạo như thế nào thì Cục sẽ xem xét – ông Lê Duy Minh cho biết.
Trong một diễn biến khác, đại diện Tổng Cục Thuế cho biết có đủ cơ sở để cưỡng chế nợ thuế. Tổng Cục Thuế cho biết, căn cứ theo báo cáo và hồ sơ do Cục Thuế TPHCM gửi, Nguyễn Kim rõ ràng có vi phạm pháp luật về thuế.
Theo quy định, sau khi có quyết định thanh tra, nếu doanh nghiệp không đồng ý với quyết định đó có thể khiếu nại lên các cơ quan thuế cấp trên. Tuy nhiên, dù có khiếu nại hay không thì Nguyễn Kim vẫn buộc phải nộp đủ gần 150 tỷ đồng tiền truy thu và xử phạt.
Trước đó, nhân viên Nguyễn Kim đã tố đơn vị này “lách” thuế TNCN bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ.
Cụ thể, với chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc thực nhận khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng nhưng doanh nghiệp này chỉ khai thuế 30 triệu đồng, Trưởng bộ phận thực nhận 50 triệu đồng mỗi tháng nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng. Số tiền chênh lệch, 270 triệu đồng và 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).
Tương tự, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng ngàn nhân viên cũng được doanh nghiệp này chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, riêng số thuế thu nhập cá nhân mà siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách là hơn 100 tỷ đồng.
Một số nhân viên Nguyễn Kim cho biết đang tiếp tục khiếu nại vì cho rằng việc thanh tra, truy thu thuế của cơ quan thuế vẫn chưa đầy đủ do từ đầu năm 2014, điện máy Nguyễn Kim dù chưa lên sàn chứng khoán đã ra quyết định thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, được quy đổi là 50.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng không khai thuế.
Nhân viên ở đây đang tiếp tục khiếu nại về nguy cơ điện máy Nguyễn Kim đã nộp bảo hiểm xã hội không đúng, gây thiệt hại cho người lao động.
Đại diện Tổng Cục Thuế cũng cho hay, trong vòng 10 ngày sau khi nhận được quyết định xử phạt, nếu Nguyễn Kim vẫn không nộp tiền sẽ phải đối mặt với việc cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn... Thậm chí, nếu doanh nghiệp này tiếp tục chây ì sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.