Cử tri TPHCM mong sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lo lắng vấn đề giá xăng dầu tăng liên tục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, nhiều cử tri tại TPHCM mong muốn cần có giải pháp để ổn định giá xăng dầu.

Ngày 22/6, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 10 – Đoàn ĐBQH TPHCM, gồm các đại biểu: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Sau khi nghe đại diện tổ ĐBQH báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các cử tri huyện hóc Môn đều đánh giá cao kết quả của kỳ họp vừa qua.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri phản ánh các vấn đề đang được xã hội quan tâm về giáo dục, y tế, cấp giấy phép xây dựng. Nhiều cử tri kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, đường giao thông trên địa bàn huyện, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tách thửa đất.

Cử tri TPHCM mong sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu ảnh 1

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri Lê Phi Thường (ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết, Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ đưa sách giáo khoa bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá; đồng thời, đưa môn lịch sử là môn học bắt buộc trong bậc THPT. Những quyết định mới nhất này tại kỳ họp của Quốc hội vừa qua là sáng suốt, đưa ra quyết định hợp lòng dân.

“Vấn đề là làm sao để học sinh yêu thích và đạt kết quả cao môn lịch sử. Nhà trường dạy môn lịch sử phải có sự sáng tạo, đổi mới để học sinh học không nhàm chán”- Cử tri Thường nêu ý kiến.

Cử tri TPHCM mong sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu ảnh 2

Cử tri Lê Phi Thường góp ý thẳng thắn về nhiều vấn đề xã hội quan tâm.

Cũng theo cử tri Lê Phi Thường, giá xăng dầu hôm qua (21/6) đã đạt ngưỡng gần 33.000 đồng/lít và hiện nay mỗi lít xăng dầu chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; bên cạnh đó là quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ nên dành cho những mặt hàng không thiếu yếu và không khuyến khích sử dụng. Nhưng với xăng dầu, mỗi gia đình Việt Nam không ai không dùng. Vì vậy, Quốc hội cần đề xuất Chính phủ có giải pháp tích cực giảm giá, bình ổn giá xăng dầu”- Cử tri Thường nêu quan điểm.

Cùng quan tâm về lĩnh vực giáo dục, cử tri Phan Thị Tuyết Anh (khu phố 4, thị trấn Hóc Môn) cho biết bản thân bà đồng thuận với ý kiến của ĐBQH về việc đưa giá của sách giáo khoa vào diện Bộ Tài chính quản lý, quy định để bảo đảm giá sách giáo khoa tốt nhất để phục vụ cho học sinh.

Cử tri TPHCM mong sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu ảnh 3

Cử tri Phan Thị Tuyết Anh (khu phố 4, thị trấn Hóc Môn).

Bên cạnh đó, cử tri Tuyết Anh cũng cho biết, trong đại dịch COVID-19, Thành phố đã quan tâm nỗ lực đưa cán bộ y tế về cơ sở, hỗ trợ y tế cơ sở.

Người dân mong muốn y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư thêm trang thiết bị y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn”- Cử tri Phan Thị Tuyết Anh bày tỏ.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng với các những ý kiến của cử tri huyện Hóc Môn.

Đối với các kiến nghị của cử tri, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND huyện Hóc Môn tích cực giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền của huyện. Với những nội dung thuộc thẩm quyền của Thành phố, bà đề nghị UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành quan tâm tham mưu, xem xét giải quyết theo quy định, tránh trường hợp, các dự án đã được ghi vốn nhưng không thi công theo đúng tiến độ.

Cử tri TPHCM mong sớm có giải pháp bình ổn giá xăng dầu ảnh 4
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn.

Liên quan đến giá xăng dầu tăng, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM quan tâm, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành báo cáo Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sử dụng các công cụ khác như thuế, phí, quỹ bình ổn giá xăng dầu, cũng như xem xét giảm thuế nhập khẩu thuế tiêu thụ đặc biệt trong cơ cấu giá xăng dầu.

Về các nội dung liên quan đến công tác giáo dục, sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, thời gian qua, Quốc hội dành thời gian phù hợp để thảo luận về vấn đề này.

“Hiện nay cơ quan có thẩm quyền đã tập trung tăng cường tuyên truyền triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, đưa sách giáo khoa bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Đây là quyết định quan trọng của Quốc hội. Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội”- Bà Nguyễn Thị Lệ thông tin.

MỚI - NÓNG