'Cụ' Rùa & trách nhiệm

'Cụ' Rùa & trách nhiệm
TP - Trên trang báo mạng, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đã bày tỏ sự “ngao ngán và chán nản” bởi chỉ việc đơn giản cứu 'cụ' Rùa mà các cơ quan chức năng hành động quá chậm trễ.

> Chùm ảnh cụ rùa nổi mang nhiều vết thương trên mình

Trước tình trạng sức khỏe đáng báo động của cụ Rùa, thay vì hành động khẩn cấp, thiết thực, cụ thể thì việc làm đầu tiên của lãnh đạo Hà Nội là tổ chức hội nghị khoa học. Mà đã hội thảo thì 9 người, 10 ý.

Chiều qua, lãnh đạo thành phố tiếp tục có cuộc họp mở rộng với các nhà khoa học để nghiên cứu phương án cứu chữa cho cụ Rùa. Cũng như tại hội thảo trước đây vài ngày, hôm qua, vẫn có vài nhóm giải pháp được đưa ra.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Cách làm của Thủ đô Hà Nội rất khác với nhiều thành phố ở các quốc gia khác. Ở đó, họ đâu có xa xỉ thời gian và nhân lực để tổ chức hội thảo như ở ta”. Vị giáo sư này nhận định: Người ta nghĩ họp là hình thức lấy ý kiến của tập thể, của chuyên gia. Người ta cho rằng tập thể thì hơn cá nhân. Phải chăng ở đây là câu chuyện trách nhiệm khi chờ “ý kiến tập thể”?

Tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi bàn về tính cấp thiết phải ban hành Luật Thủ đô mới đây, một lãnh đạo thành phố đã phân trần: “Cụ Rùa đã tồn tại hàng trăm năm nay nhưng chưa có quy định nào bảo vệ cụ. Nhiều người áp trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố nếu có vấn đề gì xảy ra với cụ nhưng không có quy định nào như vậy”. Rõ ràng, có trách nhiệm và nhận trách nhiệm là hai chuyện không dễ dàng gì.

Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho rằng, Hà Nội cần một chính quyền đô thị mạnh, có phản ứng tức thì với những vấn đề đang đặt ra hằng ngày, hằng giờ trong đời sống đô thị. Một đô thị phát triển với bảy, tám triệu dân nhưng lại có một chính quyền như các tỉnh thành khác, thì làm sao vận hành tốt được.

Ngẫm từ câu chuyện động thái phản ứng trong việc cứu chữa cho cụ Rùa mới thấy, câu chuyện trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm luôn là chuyện đáng bàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG