COVID-19: Ấn Độ lập kỉ lục đáng mừng, Brazil trả giá vì kén chọn vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Brazil cuối tuần trước chạm đến dấu mốc nghiệt ngã với nửa triệu ca tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, các công dân Brazil lại đang từ chối các loại vắc xin mà họ cho là không đạt chuẩn, để trông chờ vào vắc xin Pfizer vốn rất khan hiếm.

Ở Sao Paulo, người dân thường chỉ yêu cầu được tiêm vắc xin Pfizer của Mỹ, và sẽ bỏ về nếu không được đáp ứng. Một số trung tâm chăm sóc sức khỏe đã treo biển thông báo "Không tiêm Pfizer" để tiết kiệm thời gian. Nhiều trung tâm tiêm chủng trống không, trong khi những nơi có vắc xin Pfizer thì đông nghịt người.

Theo dữ liệu của chính phủ Brazil, vắc xin Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh chiếm khoảng 96% số mũi tiêm có sẵn trong nước, cao hơn nhiều so với 4% của Pfizer.

Sự chần chừ của người dân khiến nhiều chuyên gia lo ngại tác động của dịch bệnh sẽ không chỉ dừng lại ở Brazil - nơi có khoảng 2.000 người chết mỗi ngày - mà còn đe doạ sự bùng phát ngày càng mạnh mẽ của đại dịch toàn cầu nếu quốc gia 213 triệu dân này trở thành nơi sinh sản các biến chủng mới. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ khoảng 12% dân số Brazil được tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tỏ ra tức giận khi nhiều người không chịu tiêm vắc xin dù quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ trở thành một trong những ổ dịch tồi tệ nhất châu Á, với hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 23.000 ca tử vong. Chưa đến 6% dân số Philippines được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Tiến độ tiêm chủng hiện tại chậm hơn so với mục tiêu của chính phủ Philippines là chủng ngừa cho 70 triệu người trong năm nay.

“Các bạn chọn đi, tiêm vắc xin hoặc đi tù”, ông Duterte nói. “Đừng hiểu sai ý tôi. Đất nước chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng. Tôi chỉ bực tức vì người Philippines không quan tâm đến chính phủ.”

Trái ngược với Philippines và Brazil, những tín hiệu đáng mừng trong chiến dịch tiêm vắc xin được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trung Quốc mới đây đã vượt mốc hơn một tỷ liều vắc xin COVID-19, trong một chiến dịch tiêm chủng mà CNN mô tả là “vô song”. Số mũi vắc xin được tiêm ở Trung Quốc chiếm gần 40% tổng số mũi tiêm trên toàn cầu (2,7 tỉ mũi, theo Our World in Data).

Dấu mốc một tỷ mũi tiêm càng đáng chú ý hơn khi chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc có một khởi đầu khá khó khăn. Trung Quốc đạt mốc một triều liều đầu tiên vào ngày 27/3, sau Mỹ hai tuần. Tiếp đó, Trung Quốc mất 25 ngày để tăng từ 100 triệu liều lên 200 triệu liều, 16 ngày để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu và chỉ sáu ngày để tăng từ 800 triệu lên 900 triệu liều.

Tại Ấn Độ, khoảng 8,6 triều liều vắc xin đã được tiêm trong ngày thứ Hai (21/6) - con số cao nhất kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi giữa tháng Một.

Đây cũng là ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng trên 18 tuổi. Trước đó, nước này chỉ cung cấp vắc xin miễn phí cho nhân viên tuyến đầu và những người trên 45 tuổi. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều/ngày để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 950 triệu người trưởng thành vào tháng 12.

"Vắc xin vẫn là vũ khí mạnh nhất của chúng ta để chống lại COVID-19. Xin chúc mừng những người đã tiêm vắc xin, và gửi lời vinh danh đến tất cả các nhân viên đang làm việc chăm chỉ để đảm bảo có thật nhiều công dân được tiêm vắc xin" Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter.

MỚI - NÓNG