'Con mắt thời gian' của hai người ngây thơ

Tác phẩm của Đinh Ý Nhi và Hoàng Phượng Vỹ.
Tác phẩm của Đinh Ý Nhi và Hoàng Phượng Vỹ.
TP - Cho đến hôm nay, 8 năm sau triển lãm gần nhất, Đinh Ý Nhi mới xuất hiện trở lại trong triển lãm chung với họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ có tựa đề: “Con mắt thời gian”. 

Hơn 20 năm nay, hình như Đinh Ý Nhi vẫn vậy, dù hội họa của chị đã đi qua nhiều chặng nhưng vẫn giữ được sự trong veo, nhạy cảm. Cũng là ngây thơ, là một cuộc trở về miền thơ ấu của riêng mình, nhưng ngây thơ của Hoàng Phượng Vỹ lại tràn đầy những hồi ức. Như một tấm phim chạy chậm, ngây thơ trong tranh của anh lần về những giản đơn, những tháng ngày như tờ giấy trắng.

Một Đinh Ý Nhi của những năm đầu thập kỷ 90 trong veo, nhạy cảm với sự chuyển động của những gam mầu tinh tế, với nét vẽ vừa mềm mại, vừa mạch lạc và tràn đầy xúc cảm. Hồi đó, mỗi bức tranh của Nhi giống như một bài thơ, vừa run rẩy, vừa mãnh liệt, nhưng thật tinh tế và tươi tắn.

Họa sĩ trung thành với sơn dầu và đen trắng trong rất nhiều năm. Xem tranh của chị không thấy một bước ngoặt đáng kể nào, không có những từ bỏ, cũng như không có một tuyên ngôn nào. Những thay đổi diễn ra một cách từ tốn, nhẹ nhàng nhưng rất rõ rệt, không phải trong phong cách, trong thể loại, chất liệu, mà trong cái nhìn về đời sống, trong quan niệm thẩm mỹ: từ những xúc cảm trong veo, đẹp đẽ thời kỳ đầu, Nhi chuyển sang  bối rối, hoang mang, nhiều phức cảm được diễn đạt bằng đen trắng và rất nhiều đường gấp khúc mắc mớ, và sự chuyển động mơ hồ của các sắc độ.

Từ sau những hoang mang, xúc động, với rất nhiều bối rối, sự nhìn rất sâu vào bản thân, chị bắt đầu miêu tả thế giới như chị thấy, những người đàn ông, những người đàn bà, các bức chân dung hết sức ngộ nghĩnh: họ đôi khi giống những con vịt, những con chim đi đi lại lại, lạch bạch, đôi khi biết bay, đôi khi rất buồn rầu, đôi khi rất xấu xí. Rồi sự xấu xí trở thành bầy đàn, thành những cơn lũ, thành sự ám ảnh, ngày một lừng lững, ngày một chiếm hết không gian của các bức tranh, có thể nói, thời kỳ này những bức tranh của Nhi cho thấy một tầm vóc, và khẳng định vị trí của Đinh Ý Nhi trong hội họa đương đại.

Nhi không vẽ một chân dung cụ thể nào. Vì thế, tên tranh của Nhi thường rất chung, ai hiểu thế nào cũng đúng, ai cũng có thể cảm nhận bằng chính trải nghiệm cá nhân của chính mình. Chị chỉ miêu tả những đặc tính con người và thế giới như chị thấy. Đương nhiên sẽ có nhiều người không đồng tình, không thích cái nhìn này, thẩm mỹ này. Cái làm nên một Đinh Ý Nhi cũng ở chỗ, chị không quan tâm người khác thích hoặc không thích, những điều đó không liên quan đến suy nghĩ cũng như con đường của họa sĩ. Chỉ khi điều chị thấy đổi thay mới làm cho tranh của chị thay đổi. Cái này, cũng có thể coi là bản lĩnh sáng tạo mà họa sĩ nào cũng cần có.

Với nhiều người, họ cho rằng, Nhi chẳng chịu thay đổi gì cứ đi mãi một lối.

Có lần, tôi cũng hỏi “Sao Nhi không thử một chất liệu khác xem sao?” Nhi nói, chị vẫn chưa thấy thỏa mãn, và cảm thấy mình chưa đi đến tận cùng của con đường này, nên vẫn tiếp tục nó để xem ra sao.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, Nhi chuyển từ đen trắng sang đỏ. Nhưng dường như trạng thái này làm chị mệt, mệt vì không hẳn là Đinh Ý Nhi đã là như vậy, nên thời kỳ này đã kết thúc nhanh chóng, để tìm những cách biểu đạt khác.

Một triển lãm của Đinh Ý Nhi cách đây khoảng 8 năm mà tựa đề cho triển lãm là  một câu thơ của thi sỹ Bùi Giáng cũng là triển lãm tôi cho là rất đáng chú ý. Thay cho sự quyết liệt, sự tỉnh rụi, sự rạch ròi, đôi khi thái quá là một Đinh Ý Nhi có nhiều ưu tư, phiền muộn, nhiều sự xa vắng mông lung vô định, có nhiều trăn trở về con người. Dường như họa sĩ đã hoàn toàn làm chủ về kỹ thuật, mầu sắc, hình họa… tiết chế mà vẫn đầy cảm xúc, đến mức đáng kinh ngạc.

Sau triển lãm này Nhi đã im lặng khá lâu. Có nghĩa là chị không có thêm một triển lãm cá nhân nào.

Lần này là một Đinh Ý Nhi trở về bản nguyên sau hành trình dằng dặc của một đời người, và trở nên thấu hiểu, bao dung. Tất cả có 15 bức chân dung những cô gái, vẫn hầu hết là đen trắng, vẽ kỹ lưỡng, chi chút, biểu đạt tinh tế mọi sắc độ của sự dịu dàng, niềm thương mến, vẻ ngây thơ, ngơ ngác, lại có gì như nhẫn nại, buồn bã. Có gì đó thật trầm lặng và an lạc trong những bức chân dung này.

Tôi nói với Nhi “ Hình như đến đây, Nhi đã kết thúc một hành trình để mở ra những cánh cửa khác rồi”. Nhi bảo đúng là như vậy, bây giờ đã đến lúc, chị cảm thấy rất thoải mái, vẽ gì và vẽ thế nào đã không còn quan trọng nữa.

***

Cũng là ngây thơ, là một cuộc trở về miền thơ ấu của riêng mình, nhưng ngây thơ của Hoàng Phượng Vỹ lại tràn đầy những hồi ức. Như một tấm phim chạy chậm, ngây thơ trong tranh của anh lần về những giản đơn, những tháng ngày như tờ giấy trắng. Từ những màu rực rỡ đỏ, trắng, xanh lá, những cách tạo hình nhẹ nhàng về cảm xúc, đượm màu trong sáng - Vỹ đưa đẩy một tình yêu với những hoài niệm, với những thơ ngây mà anh biết, thuộc về tất cả mọi người nhưng cũng lại không thuộc về riêng ai.

Cũng như Đinh Ý Nhi, Hoàng Phượng Vỹ là một họa sĩ hết sức trung thành với phong cách của anh. Đó là lối vẽ hồn nhiên, tình cảm, và tối giản. Những gam mầu có thể trầm hơn, hoặc tươi sáng hơn, nhưng họa sĩ ưa thích sử dụng những bảng mầu nguyên. Dường như các bảng mầu này mới giúp Vỹ biểu đạt một cách thoải mái cái tôi của anh.

“Vẽ như một cuộc tìm lại chính mình", anh nói, và để con mắt thời gian đưa anh về với  những trò chơi thuở ấu thơ, những giấc mơ trưa bập bùng nửa tỉnh nửa mê, những người mặt xanh, mặt đỏ, những nan quạt, đèn lồng, chuồn chuồn và gà mái. Những màng màu, nhìn thoảng sẽ không cân sắc, sẽ biệt lập, nhưng khi ngẫm lại thì lại hài hoà bổ trợ cho nhau, không cái nào át cái nào, như một câu thơ giữa chiều hiền hoà, đầy nắng và gió. Những hình hài, tối giản về tròn, ô van, vuông bao quanh những màu sắc thơ ngây ấy, tuy cũng là bản năng- nhưng cái bản năng ấy lại gần hơn với một tờ giấy trắng, không nhem nhuốc những toan tính, những ngờ vực, những trò đời. Những tưởng cái ngây thơ, cái vô lo vô nghĩ của tranh sáp, tranh chì màu nó chỉ hiện hữu một khi con trẻ vẫn là con trẻ- nhưng không, có lẽ là người ta chỉ gói gém nó kỹ càng lại rồi cất nó đi, vô tình để lạc mất nó trong cơm áo gạo tiền. Còn đối với Hoàng Phượng Vỹ, nó dường như chưa bao giờ là một thứ để cất vào một xó xỉnh cuộc đời nào đó, mà là cảm hứng, là nghệ thuật, là kho báu để trân quý, để bày trưng ở nơi hãnh diện nhất.

Triển lãm “Con Mắt Thời Gian" của hai họa sỹ Đinh Ý Nhi và Hoàng Phượng Vỹ, khai mạc vào 17h30, ngày 9/5/2015 tại Heritage Space, tầng 2 Paris Deli, Dolphin Plaza (28 Trần Bình, Hà Nội).

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.