Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nói rằng, cần một chiến lược thực sự đột phá, phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục; để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội, cùng với đó là những mong mỏi về nâng cao đời sống cho giáo viên đang là hai trong số những niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà giáo trong năm vừa qua. Đúng dịp Tết đến, Xuân về, năm đầu tiên các địa phương thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân. Với mức thưởng dao động từ 4-7 triệu đồng/giáo viên, đây là nguồn động viên lớn cho nhà giáo. Bởi với nhiều nhà giáo vùng khó khăn, lần đầu tiên có khoản “kha khá” để sắm sửa cho cái Tết đầy đủ hơn.
Tuy vậy, là nhà giáo, nhìn những học sinh còn khó khăn, Tết đến nhiều khi áo không đủ ấm, cơm không đủ no, thầy cô nào cũng chạnh lòng. Với nhiều người, gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người, có khi năm nào cũng lo Tết cho trò, hiếm có chuyện phụ huynh chúc Tết. Bởi học trò của họ còn nghèo khó quá, dẫu đời sống của các thầy cô vất vả hơn vùng thuận lợi nhưng còn có lương. Còn học trò, gia đình ngoài bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thiên tai bủa vây thì những cái Tết không đủ ấm vẫn diễn ra thường xuyên.
Để không còn là nền giáo dục vượt khó, ngoài việc nâng đời sống giáo viên thì kinh tế - xã hội phải phát triển. Trong chuyến thực tế về các tỉnh miền núi phía Bắc, không ít thầy cô ứa nước mắt tâm sự, sau mỗi kì nghỉ hè, nồi cơm nấu cho học sinh phải đầy hơn bởi sau 2 tháng về nghỉ, các con gần như có gì ăn đó, trở lại trường, theo chế độ chính sách của nhà nước, nên các con được ăn đầy đủ hơn. Vì vậy mà tháng sau hè được gọi là tháng các con “ăn bù”. Rồi sau mỗi dịp Tết, ngoài lo dạy học, các thầy cô lại lo vận động học sinh đến lớp, đảm bảo sĩ số. Lặn lội đến từng nhà, nói chuyện với từng phụ huynh để mong giành giật đưa các em về với con chữ đến mong các em sớm thoát được đói nghèo.
So với giáo viên vùng cao, những vất vả, khó khăn của giáo viên vùng thuận lợi chỉ là muối bỏ biển. Nhưng họ lại phải sống giữa áp lực môn chính - môn phụ trong mắt phụ huynh. Nhiều giáo viên theo học sinh 3-4 năm học, nhưng phụ huynh cũng chỉ biết tên mà không biết mặt. Khi giáo dục còn nặng về thi cử, phụ huynh còn nặng về thành tích thì áp lực này, càng ngày càng lớn và kéo rộng khoảng cách chính - phụ trong đội ngũ giáo viên mỗi trường.
Những chòng chành của cuộc sống vẫn như những con sóng ngày đêm táp vào ngành giáo dục. Nếu cái tâm của người thầy không vững thì dù chế độ tiền lương có tốt lên, thưởng cũng nhiều hơn, những luẩn quẩn của chuyện được - mất có lẽ sẽ vẫn tồn tại.